Thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi

Hà An 14/06/2018 18:08

Tiếp tục chương trình làm việc chiều 14.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi.

Thảo luận về dự án Luật, đa số các đại biểu đều đồng tình với việc cần thiết xây dựng Luật nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, tái cơ cấu ngành chăn nuôi, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.

ĐBQH Tống Thanh Bình (Lai Châu) Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Tống Thanh Bình (Lai Châu) Ảnh: Quang Khánh

Các ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An), Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc), Tống Thanh Bình (Lai Châu)…đều khẳng định việc ban hành Luật là cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu các chính sách hợp tác quốc tế về chăn nuôi hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cùng với đó là bổ sung những hành vi bị cấm vào trong dự thảo Luật.

ĐBQH Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, ngành chăn nuôi nước ta trong những năm qua có phát triển khá nhanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng đối diện với nhiều thách thức: sản phẩm cung vượt quá cầu, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh…Trong khi đó, chúng ta mới chỉ có văn bản pháp luật cao nhất liên quan đến ngành này chỉ mới dừng lại ở Pháp lệnh giống vật nuôi. Do đó, sự ra đời của Luật nhằm ngoài tạo hành lang pháp lý để khắc phục các khó khăn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) Ảnh: Quang Khánh

Liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật quy định, nghiêm cấm chăn nuôi trang trại trong khu dân cư. Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) phân tích, thực tiễn cho thấy việc phân bố dân cư ở khu vực đồng bằng luôn đông đúc, nếu đặt xa khu vực dân cư này thì sẽ gần khu vực dân cư khác. Trong khi đó, ở khu vực miền núi, kiến trúc nhà sàn, người dân có tập quán sinh sống ở tầng trên, chăn nuôi ở tầng dưới, do đó quy định như dự án Luật là thiếu tính bao quát. Khó quản thì cấm sẽ gây khó khăn đến hoạt động chăn nuôi, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc, xem xét điều chỉnh quy định cho khả thi hơn, cần thiết phải có lộ trình phù hợp theo đặc thù vùng, miền. Cũng theo đại biểu, chăn nuôi là hoạt động có điều kiện, do đó, cần có chế tài nghiêm ngặt với nhưng yêu cầu về bảo đảm môi trường, giữ gìn an toàn vệ sinh nguồn nước sinh hoạt và không ảnh hưởng sức khỏe, đời sống cư dân trong khu vực.

ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) Ảnh: Quang Khánh

Cơ bản đồng tình với quy định về các hành bị nghiêm vi cấm trong dự thảo luật, song ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung thêm quy định nghiêm cấm lạm dụng kháng sinh, sử dụng chất cấm trong hoạt động chăn nuôi. Cho rằng, dự thảo Luật chưa đề cập đến quản lý đối với hình thức chăn nuôi gia công cho các tổ chức trong và ngoài nước, theo ĐB Dương Tấn Quân, đây là hình thức hợp tác làm ăn giữa doanh nghiệp và người dân để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện hình thức này chiếm số lượng khá lớn trong mảng chăn nuôi trang trại tại các tỉnh và mang lại hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, dù là liên kết làm ăn nhưng các doanh nghiệp chưa có trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi. Do đó, cần bổ sung vào dự thảo Luật nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong hoạt động chăn nuôi một khoản quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp trong chăn nuôi gia công. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi. Còn ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị cần bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm hành hạ vật nuôi.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) Ảnh: Quang Khánh

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, những sai phạm trong khâu chế biến thành phẩm từ chăn nuôi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng lại chưa được quy định trong dự thảo Luật. Do vậy, để lấp khoảng trống này, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về quy định khâu chế biến sản phẩn chăn nuôi và bổ sung một chương về quản lý chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Liên quan đến hợp tác quốc tế về chăn nuôi, khoản 4 điều 6 dự thảo Luật quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối giúp Chính phủ về hợp tác quốc tế về chăn nuôi. Nhiều đại biểu cho rằng quy định như vậy là hơi “hẹp”, ĐB Nguyễn Thanh Phương cho rằng, việc hợp tác quốc tế cần mở cho nhiều cơ quan, đơn vị có khả năng hay cơ hội hợp tác quốc tế. Nên chăng, dự thảo Luật quy định Bộ NN- PTNN thực hiện vai trò cầu nối, hỗ trợ hoạt động hợp tác quốc tế. Có như vậy, việc hợp tác quốc tế sẽ được thực hiện rộng rãi, đa dạng, góp phần phát triển ngành chăn nuôi.

Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, cần hiểu liên kết và hợp tác trong chăn nuôi ở nghĩa rộng hơn. Bởi lẽ, không thể hợp tác quốc tế mà không liên kết hợp tác trong các khâu của chuỗi giá trị trong hoạt động chăn nuôi cũng như liên kết của người chăn nuôi với doanh nghiệp. Do vậy, trong điều 6 của dự thảo Luật cần quy định là quan hệ hợp tác liên kết trong chăn nuôi, trong đó có 2 khoản: một khoản quy định liên kết hợp tác trong chuỗi giá trị của chăn nuôi, khoản thứ hai quy định hợp tác quốc tế về chăn nuôi, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thảo luận về dự án Luật Chăn nuôi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO