Thảo luận tập trung, làm rõ vướng mắc để đưa ra giải pháp sát sườn, hiệu quả
Không né tránh mà lựa chọn vấn đề gai góc, nhạy cảm trong đời sống xã hội hiện nay là vấn đề đất đai để tiến hành giám sát tại kỳ họp, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thể hiện bản lĩnh của mình trước cử tri và nhân dân. Đây là lần thứ hai, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện giám sát tại kỳ họp. Với cách làm chuyên nghiệp và bài bản, hoạt động giám sát tại kỳ họp lần này đã đạt được kết quả nhất định, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của cơ quan dân cử địa phương.
Những con số
Ngay sau khi UBTVQH thực hiện giám sát chuyên đề và QH ra Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện giám sát tại kỳ họp về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Khóa XV. Báo cáo giải trình về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc của UBND tỉnh cho thấy, từ tháng 7/2004 đến tháng 10/2012, Vĩnh Phúc đã thực hiện thu hồi, giao đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất là 1.923 dự án với tổng diện tích thu hồi là 9.082,91ha. Trong đó, bao gồm thu hồi và giao đất ở cho 242 dự án với diện tích là 2.099,92ha; thu hồi và giao cho các dự án sản xuất kinh doanh là 641 dự án với diện tích 4.067,86ha; thu hồi giao sử dụng mục đích an ninh quốc phòng gồm 176 dự án với diện tích 458,41ha…
Trong tổng số 641 dự án được thu hồi giao đất từ tháng 7/2004 đến nay với diện tích thu hồi 4.067,86 ha, vẫn còn xảy ra tình trạng dự án treo, doanh nghiệp chậm triển khai dự án, sử dụng đất không hiệu quả. Nguyên nhân của các dự án chậm triển khai tại KCN Bình Xuyên 2, KCN Bá Thiện, khu trung tâm công viên thị trấn Tam Đảo… là do khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, suy thoái kinh tế và một số dự án không có hạ tầng cơ sở như điện, đường.

Về việc thực hiện quyền chuyển nhượng sử dụng đất, đánh giá của UBND tỉnh chỉ ra rằng, thị trường chuyển nhượng, mua bán đất đai trái phép không làm thủ tục qua các cơ quan có thẩm quyền diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Nhiều khu đất có giá trị dịch vụ, du lịch xuất hiện tình trạng chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng trái phép như tập kết vật liệu, kinh doanh, vi phạm hành lang giao thông, làm nhà trên đất nông nghiệp…
Tính đến tháng 10/2012, Vĩnh Phúc đã thực hiện cấp 426.756 giấy chứng nhận cho người sử dụng đất với diện tích 56.008ha. Trong đó, đã cấp 6.605 Giấy chứng nhận cho 1920/3228 tổ chức sử dụng đất trên địa bàn với số diện tích được cấp đạt 14% tổng diện tích các tổ chức đang sử dụng. Đối với hộ gia đình, cá nhân hiện tỉnh đã cấp 420.151 Giấy chứng nhận, đạt 94% về số hộ và 76% về diện tích. Đáng chú ý là số tổ chức còn lại chưa được cấp giấy tuy không nhiều nhưng các đơn vị này lại sử dụng diện tích rất lớn như Vườn auốc gia Tam Đảo, Nông trường Tam Đảo, Công ty lâm nghiệp Lập Thạch…
Thảo luận tập trung, làm rõ tồn tại
Đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, tác động trực tiếp đến đời sống mưu sinh của người dân. HĐND - nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân đã không ngại khó, đi thẳng vào vấn đề mà cử tri mong mỏi. Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc được chuẩn bị kỹ lưỡng, trên cơ sở Báo cáo giải trình của UBND tỉnh và quá trình thâu nhận thông tin độc lập, phát hiện những vấn đề cốt lõi còn tồn tại trong lĩnh vực đất đai cần phải giải quyết, qua đó đưa ra những kiến nghị xác đáng, khả thi, là cơ sở quan trọng và gợi mở cho các đại biểu thảo luận, tranh luận, làm sáng tỏ vấn đề của các tồn tại chính liên quan đến việc chuyển nhượng ngầm trong các giao dịch đất đai, vấn đề gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức cá nhân sử dụng đất cũng như tăng cường hiệu quả sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh gắn với việc làm rõ trách nhiệm cá nhân của cơ quan quản lý.

Tại hội trường, đã có hơn 10 lượt ý kiến của đại biểu HĐND phát biểu, bày tỏ quan điểm và chất vấn UBND tỉnh nhiều vấn đề nổi cộm trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đại biểu Khương Trung Bằng (Tổ đại biểu Sông Lô) nêu ý kiến, trong số 641 dự án được thu hồi giao đất từ 1/7/2004 đến nay với diện tích thu hồi là 4.067,86ha có một số doanh nghiệp vi phạm trong quá trình sử dụng đất như chậm triển khai thực hiện dự án, sử dụng đất không hiệu quả. UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, hoàn thiện thủ tục và thu hồi đất của 60 dự án với diện tích là 896,97ha. Tôi xin hỏi là thực tế đến nay đã thu hồi được bao nhiêu dự án, với diện tích cụ thể là bao nhiêu. Còn bao nhiêu dự án chậm triển khai với diện tích là bao nhiêu? Hướng xử lý các dự án chậm triển khai này như thế nào? Bao nhiêu dự án thu hồi, bao nhiêu dự án tiếp tục giãn thời gian?
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Lộc cho biết, các dự án chậm triển khai đều được cơ quan chuyên môn tiến hành thủ tục thu hồi và giao cho Ban GPMB và PTQĐ tỉnh, các xã phường và các nhà đầu tư khác có năng lực. Hiện còn 31 dự án đang được tiến hành làm thủ tục. Theo quy định hiện hành thì thủ tục thu hồi đất của một doanh nghiệp khi vi phạm là rất phức tạp, phải lập đoàn thanh tra và khi có kết luận của thanh tra thì mới có thể thu hồi đất. Hơn nữa, trong bối cảnh suy thoái, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, tinh thần chung của UBND tỉnh là sẽ tiến hành thu hồi đất với lại các dự án bất khả kháng. Hơn nữa, nhiều dự án đất thu hồi rồi không biết giao cho ai để có thể tiếp tục triển khai khai thác có hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Lộc cũng khẳng định là còn tình trạng các dự án chậm triển khai và sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý.
Cho rằng Báo cáo giải trình chưa làm rõ các nội dung liên quan đến việc đất sử dụng cho hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, đồ gốm; đất của các nông lâm trường trên địa bàn tỉnh, Đại biểu Lê Thị Phương Hoa (Tổ đại biểu Yên Lạc) đề nghị UBND tỉnh làm rõ thêm vấn đề này. Đại biểu Lê Thị Phương Hoa cho rằng, Báo cáo giải trình đã chỉ ra nhiều bất cập, sai phạm trong quy hoạch, quản lý việc sử dụng dụng đất đai nhưng báo cáo chưa chỉ ra được để xảy ra các sai phạm đó thì trách nhiệm thuộc về ai, thuộc ngành nào, cấp nào, xử lý như thế nào, kết quả xử lý ra sao?
Trao đổi về ý kiến này, UBND tỉnh cho biết, tỉnh tiếp tục cho kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo hướng kiên quyết xử lý những hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Việc quản lý đất nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh rất khó khăn bởi diện tích lớn, ranh giới không rõ ràng, tranh chấp địa giới giữa nông, lâm trường và địa phương còn diễn ra phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ các nông, lâm trường đo đạc, xác định rõ ranh giới, diện tích đất để việc quản lý, sử dụng hiệu quả hơn. Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc để xảy ra sai phạm, UBND tỉnh cho rằng trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan chính quyền cơ sở. Năng lực của cán bộ cơ sở nhìn chung còn yếu, cần phải được tập huấn và đào tạo nâng cao chuyên môn.

Về các giao dịch ngầm trong chuyển nhượng đất đai, đại biểu Trần Quang Lê (Tổ đại biểu Tam Đảo) đề nghị UBND tỉnh cho biết các giải pháp để khắc phục tình trạng chuyển nhượng, mua bán đất đai trái phép không làm thủ tục qua các cơ quan có thẩm quyền diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Nhiều khu đất có giá trị dịch vụ, du lịch xuất hiện tình trạng chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng trái phép như tập kết vật liệu, kinh doanh, vi phạm hành lang giao thông, làm nhà trên đất nông nghiệp thời gian qua. Trao đổi nội dung này, UBND tỉnh vẫn đề cập đến các giải pháp chính là tăng cường thanh tra, kiểm tra cũng như đẩy mạnh hoạt động quản lý của chính quyền cơ sở địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các đại biểu trong buổi giám sát tại kỳ họp đã tập trung yêu cầu UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân của quá trình chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là quá trình cấp đổi. Vấn đề thực hiện ký kết hợp đồng thuê đất với các tổ chức, cá nhân và cách thức tăng cường nguồn thu từ tiền thuê đất. Các đại biểu cũng chất vấn quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa tại địa phương; công tác quản lý và xử lý các sai phạm đối với các hành vi lấn chiếm đất công cộng, đất hành lang giao thông; vấn đề bảo đảm diện tích đất lúa; vấn đề năng lực cán bộ địa chính và trách nhiệm của các cá nhân tổ chức trong quản lý đất đai. Không chỉ mổ sẻ những tồn tại, nhiều giải pháp nhằm khắc phục bất cập cũng đã được các đại biểu nêu ra, đóng góp xây dựng Nghị quyết.
Xây dựng Nghị quyết khả thi với các biện pháp sát sườn
Trong quá trình mổ xẻ những bất cập, sai phạm trong quản lý đất đại trên địa bàn tỉnh thời gian qua, buổi giám sát tại kỳ họp của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc lần này cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu nhằm xây dựng nội dung cho Nghị quyết về việc tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.
Với mong muốn nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai một cách bền vững, tiết kiệm, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh, các đại biểu đều thống nhất cần tăng công công tác quản lý đất đai của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức và đoàn thể. Các ý kiến cũng cho rằng, cần tăng cường công tác giáo dục, truyền thông cũng như công khai minh bạch các hoạt động giao đất, thu hồi đất giải phóng mặt bằng đến đông đảo tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm đẩy lùi các vụ khiếu kiện về đất đai.
Trong các giải pháp đưa ra tại hội trường, nhiều đại biểu đặc biệt tập trung phân tích về trách nhiệm của cá nhân trong việc để xảy ra các sai phạm. Các đại biểu đề xuất cần phải phân cấp, phân quyền và trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành gắn với trách nhiệm thủ trưởng cơ quan trong việc quản lý nhà nước về đất đai. Đồng thời, quy định cụ thể hình thức xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, thưởng phạt phân minh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng nhấn mạnh, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, tập trung vào vụ việc nổi cộm, bức xúc trong nhân dân; xử lý kịp thời những phát sinh, vướng mắc; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của HĐND, các tổ chức đoàn thể, của các cấp, các ngành trong giám sát, kiểm tra, xử lý và giải quyết khiếu nại tố cáo theo hướng rõ ràng, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tập trung giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở gắn với việc làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cấp, ngành cụ thể.
Ngoài ra, ý kiến của các đại biểu HĐND cũng kiến nghị các giải pháp về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa văn bản quy phạm pháp luật về đất đai cho phù hợp với quy định và thực tiễn, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người có đất; rà soát, đánh giá phân loại các vụ vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn; xác định trách nhiệm và xử lý kịp thời, dứt điểm; rà soát thủ tục hành chính về thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với pháp luật, bảo đảm nhanh, gọn, hiệu quả, gắn với trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Tham dự buổi giám sát tại kỳ họp của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc kỳ này, cử tri Nguyễn Bá Thẩm (xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc) về cơ bản hài lòng với nội dung và cách thức tổ chức giám sát. Cử tri Thẩm cho rằng, thông qua giám sát tại kỳ họp này, những thắc mắc, sai sót của chính sách, bất cập của quản lý đất đai được chỉ ra cụ thể, sâu và rõ, qua đó các đại biểu dân cử đã đưa ra được những giải pháp để khắc phục. Cử tri Nguyễn Bá Thẩm băn khoăn là trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan cấp ngành cụ thể trong việc để ra những sai phạm chưa được chỉ rõ. Cử tri cũng mong rằng, hậu giám sát thì các vấn đề tồn tại sẽ được giải quyết dứt điểm, giảm bớt những khiếu kiện của bà con nhân dân bây lâu nay.
Sau buổi giám sát tại kỳ họp, thông qua các ý kiến, chất vấn và giải pháp của các đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, đến cuối kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ ra Nghị quyết Tiếp tục tăng cường việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.