Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV

Thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng

- Thứ Bảy, 23/05/2020, 16:08 - Chia sẻ
Tiếp tục Phiên họp sáng nay, 23.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiến hành họp trực tuyến nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Đề xuất thí điểm tổ chức một cấp chính quyền địa phương và 2 cấp hành chính tại Đà Nẵng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, thành phố Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) trở thành một trong năm thành phố trực thuộc trung ương từ năm 1997; là một đô thị lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP luôn ở mức cao so với bình quân của cả nước (tăng bình quân 9,8%/năm), khẳng định vị thế là đầu tàu, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, để Đà Nẵng phát triển, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố. Tuy nhiên, tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16.10.2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ ra rằng trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế thì còn có một số hạn chế như xuất phát điểm thấp từ việc chia tách tỉnh, quy mô kinh tế nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực đô thị của Thành phố mặc dù có phát triển nhưng chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội, thiếu đồng bộ. Các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, đời sống nhân dân có sự đan xen, ngày càng dịch chuyển theo hướng đô thị hóa. Quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế, công tác lập quy hoạch, phát triển đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, tính bền vững chưa cao.

Mô hình quản lý hiện hành của Thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tự chủ, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị còn bất cập, khó có thể đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại đô thị trong thời kỳ hội nhập, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, phân cấp quản lý, ủy quyền trên một số lĩnh vực phù hợp với đối tượng, đặc thù quản lý ở đô thị và quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn đang thay đổi nhanh chóng. Những hạn chế, bất cập kể trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành và sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ảnh: Lâm Hiển 

Trong bối cảnh đó, xác định vai trò của thành phố Đà Nẵng tiếp tục là trung tâm, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế - xã hội của miền Trung và Tây Nguyên phát triển bền vững, ngày 24.1.2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương “xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố” và“cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước…” và giao: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, việc cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết”.

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý đô thị đối với thành phố Đà Nẵng là cần thiết để thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị đã đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được bố cục thành 4 Chương, gồm: Chương I. Những quy định chung (gồm 2 Điều, từ Điều 1 đến Điều 2); Chương II. Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (gồm 8 Điều, từ Điều 3 đến Điều 10); Chương III. Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố (gồm 2 Điều, từ Điều 11 đến Điều 12); Chương IV. Điều khoản thi hành (gồm 03 Điều, từ Điều 13 đến Điều 15).

Về thí điểm mô hình chính quyền đô thị (Chương II), căn cứ Hiến pháp 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quốc hội có thể quy định chính quyền địa phương ở quận, phường không phải là cấp chính quyền địa phương. Do đó, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng: xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền địa phương (cấp Thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).

Theo mô hình này, các cấp chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng được thiết kế như sau: Tổ chức chính quyền cấp Thành phố là một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Điều 4 đến Điều 6 dự thảo Nghị quyết)…

Mô hình thí điểm tổ chức chính quyền địa phương tại Đà Nẵng là tương tự với quy định về thí điểm chính quyền đô thị thành phố Hà Nội tại Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27.11.2019 của Quốc hội.

Về cơ chế, chính sách để phát triển Thành phố (Chương III), tại Tờ trình số 72/TTr-CP ngày 4.3.2020, Chính phủ đã đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù. Theo Kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì các chính sách về tiền lương, thu nhập tăng thêm và chính sách thuế riêng cho thành phố Đà Nẵng (giảm 50% thuế thu nhập cá nhân và quy định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) không quy định tại dự thảo Nghị quyết để bảo đảm thực hiện thống nhất trong cả nước về cơ chế tiền lương, thu nhập theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 và bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật về thuế.

Đối với các chính sách đặc thù đã quy định tại Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1.11.2016 Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng (gồm: tăng hạn mức dư nợ vay cho Thành phố tăng từ 40% lên 60%; số bổ sung có mục tiêu 70% từ ngân sách Trung ương cho thành phố Đà Nẵng từ tăng thu các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát và sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP. Chính phủ kính đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thống nhất để Chính phủ có cơ sở sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP.

Như vậy, với các lý do trên, Chính phủ đề nghị quy định 4 chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định.

Không thí điểm giao chính quyền thành phố thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, Chủ nhiệm UB Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đa số các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ. Lý lẽ là bởi, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích không lớn (1.285,4 km²), có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc không nhiều, nên việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị nhìn chung là thuận lợi, dễ triển khai.

Ảnh: Lâm Hiển 

Đà Nẵng là một trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ năm 2009 đến năm 2016 đạt kết quả tốt, có sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.

Việc thử nghiệm các mô hình chính quyền đô thị khác nhau giữa các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa - lịch sử, đặc điểm địa lý tự nhiên khác nhau, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, làm cơ sở cho việc tổng kết, nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền ở đô thị trên phạm vi cả nước sau này. Hơn nữa, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã cho phép Quốc hội quyết định ở các đơn vị hành chính là quận và phường có thể tổ chức mô hình chính quyền đô thị không phải là cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Hoàng Thanh Tùng cho biết, cũng có ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận.

Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trước hết là về điều chỉnh quy hoạch (Điều 11), Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các luật về quy hoạch hiện hành quy định rất chặt chẽ thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch thời gian qua. Việc dự thảo Nghị quyết đề nghị thí điểm giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố cho chính quyền thành phố mà không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đã đề ra.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị "không thí điểm việc giao chính quyền thành phố thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố để bảo đảm tính ổn định, thống nhất và các nguyên tắc chung trong hoạt động quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch", Chủ nhiệm UB Hoàng Thanh Tùng nói.

Đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, để bảo đảm sự chặt chẽ trong công tác quản lý quy hoạch, đồng thời cụ thể hóa chủ trương thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của địa phương và người đứng đầu về vấn đề quản lý quy hoạch và đô thị theo Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định việc phân cấp cho chính quyền thành phố Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị gắn với những điều kiện nhất định quy định ngay trong Nghị quyết; đồng thời, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện nhưng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về quản lý tài chính - ngân sách (Điều 12), liên quan đến việc ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương (khoản 1 Điều 12), nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chính sách đặc thù đã được nêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không quy định nội dung này vì không khác so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 

Về sử dụng nguồn cải cách tiền lương (khoản 2 Điều 12), Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định trong dự thảo Nghị quyết về sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng nguồn lực chi đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Quy định trong dự thảo Nghị quyết cũng tương tự như cơ chế áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh đã được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Về việc giao HĐND thành phố quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí (khoản 3 Điều 12), Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giao HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí, lệ phí và tăng mức thu hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đối với một số loại phí, lệ phí có tính đặc thù phục vụ mục tiêu phát triển của thành phố tương tự như quy định trong Nghị quyết số 54/2017/QH14. Tuy nhiên, đề nghị rà soát để quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết nhóm những loại phí, lệ phí có thể cho phép HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định mức thu hoặc tỷ lệ thu, ví dụ đối với lệ phí, án phí Tòa án thì không nên giao cho địa phương tự điều chỉnh.

Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị là hợp lý, cần thiết

Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với nội dung Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, đồng thời cho rằng, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác là hợp lý và cần thiết.


ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)
Ảnh: Lâm Hiển 

Ủng hộ sự cần thiết ban hành Nghị quyết và thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, thực tiễn cho thấy việc thực hiện tổ chức chính quyền chung hiện nay đã bộc lộ một số những hạn chế nhất định. Việc thiết kế cùng một cơ cấu tổ chức và cơ chế, chính sách chung cho chính quyền địa phương mà chưa phân định rõ sự khác biệt giữa địa bàn nông thôn và địa bàn đô thị đã khiến cho việc chế định một khung pháp lý không có nhiều sự khác biệt giữa chính quyền 2 khu vực này và từ đó dẫn đến sự bất cập trong công tác quản lý, điều hành.

Thực tiễn đó cho thấy là cần có những nghiên cứu, những thử nghiệm, mô hình chính quyền và hệ thống cơ chế, chính sách mới để giúp cho các đô thị rộng đường phát triển, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Mấy năm qua, việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù riêng để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cũng cho thấy đây thực sự là một đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, các mô hình thí điểm đối với các địa phương này cần được nghiên cứu một cách chủ động, bài bản và đặt trong một kế hoạch tổng thể gắn với một giai đoạn nhất định để có thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị và những cơ chế, chính sách đặc thù chung cho các thành phố. "Chúng ta tôn trọng tính đặc thù để tạo sự linh hoạt trong cơ chế quản lý, điều hành là điều rất cần làm, nhưng cũng cần tránh tình trạng một số địa phương sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội ban hành các nghị quyết đặc thù". Cảnh báo về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, "điều này có thể sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành trong hệ thống bộ máy chính quyền". Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, cần đặt nghị quyết này trong mối quan hệ với các nghị quyết dành cho Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội vừa qua, từ đó có thể đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật vì các thể chế, cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm như quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 dự thảo Nghị quyết này; sau tổng kết có thể nhân rộng ra các thành phố khác.

Về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nhận thấy, "so với HĐND cấp tỉnh được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố được quy định trong dự thảo Nghị quyết này đã có sự bổ sung và tăng thêm khá nhiều".

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa thấy "cơ cấu tổ chức HĐND thành phố quy định chưa được rõ, so với những quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chưa thấy được những điểm thay đổi mới. Đây là vấn đề Ban soạn thảo cần quan tâm, vì khi không tổ chức được HĐND ở quận, phường thì HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng không thể hoàn toàn giống như mô hình HĐND, UBND như đang triển khai thực hiện ở các địa bàn khác.

Hồ Long