Tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường nhà nước

Lê Hùng 14/11/2023 14:11

Sáng nay, 14.11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN). Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Văn Bốn chủ trì hội nghị.

Tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường nhà nước
Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Văn Bốn chủ trì hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên

Thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2018. Luật đã thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường nhà nước -0
Ông Lê Thái Phương, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp phát biểu

Trình bày dự thảo báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ông Lê Thái Phương, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp cho biết: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN luôn được Bộ Tư pháp đặc biệt chú trọng. Việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNBTCNN, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác BTNN cũng được Bộ Tư pháp cùng các Bộ, địa phương chủ động triển khai hiệu quả. Từ năm 2018 đến ngày 30.6.2023, Bộ Tư pháp đã ban hành gần 400 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường, đồng thời lồng ghép hướng dẫn nghiệp vụ thông qua các hoạt động chuyên môn khác tổ chức đoàn công tác hỗ trợ trực tiếp người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường tại địa phương.

Trong ngành Tòa án và Kiểm sát đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác BTNN. Tại địa phương, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các cuộc kiểm tra công tác bồi thường nhà nước trực tiếp hoặc lồng ghép trong kiểm tra công tác tư pháp của cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan tổ chức 57 đoàn kiểm tra công tác BTNN tại các tỉnh, thành phố và chủ động tổ chức trên 40 đoàn công tác theo dõi tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường tại địa phương trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

Tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường nhà nước
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên

Cũng theo ông Lê Thái Phương, từ khi Luật có hiệu lực (ngày 1.7.2018 đến ngày 30.6.2023, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên toàn quốc đã thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, số vụ đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 103 vụ việc, đạt tỷ lệ 61,3%, với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường trong các văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 76 tỷ 985 triệu 530 nghìn đồng, 22 vụ việc đã đình chỉ, còn lại 43 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

Vẫn còn khó khăn, vướng mắc

Qua thực tiễn triển khai, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thi hành Luật TNBTCNN gặp một số khó khăn, vướng mắc như: công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNBTCNN còn có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác BTNN, hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường mới chỉ được thực hiện hiệu quả tại cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương; công tác kiểm tra công tác BTNN còn chưa được thường xuyên.

Tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường nhà nước -0
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên

Bên cạnh đó, phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước mới chỉ quy định trong 3 hoạt động là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Phạm vi TNBTCNN trong hoạt động quản lý hành chính còn hẹp nên một số trường hợp bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra sẽ không được áp dụng quy định của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết. Ngoài ra, các loại thiệt hại còn giới hạn và mức thiệt hại được bồi thường theo quy định của Luật còn thấp chưa phù hợp với các thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại và tình hình thực tiễn hiện nay.

Tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường nhà nước
Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Văn Bốn trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thi hành Luật TNBTCNN. Ảnh: Phạm Kiên

Để nâng cao hiệu quả công tác bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp xác định tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho đối tượng là cá nhân, tổ chức. Bộ tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác bồi thường Nhà nước; hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường; thống nhất các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác bồi thường Nhà nước, nhất là hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tốt hơn quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại.

Ngoài các giải pháp trên, các đại biểu cũng đề nghị, cần đẩy mạnh công tác đôn đốc, theo dõi giải quyết BTNN, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời các trường hợp bồi thường. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các quyết định, hành vi thực thi công vụ trong mọi lĩnh vực có thể dẫn đến vi phạm phải bồi thường để tổ chức rút kinh nghiệm, phòng tránh xảy ra các các vi phạm.   

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường nhà nước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO