Sáng 2.10, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ năm 2024, dự kiến chương trình công tác năm 2025; tình hình phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm đến nay, công tác báo chí, thông tin, tuyên truyền đã được triển khai sâu rộng, trên mọi hình thức, phương thức; trên tất cả nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới. Bộ chủ động quản lý thông tin, từng bước làm trong sạch không gian mạng với mục tiêu “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, duy trì ngưỡng tỷ lệ thông tin an toàn, góp phần đảm bảo giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Xuất bản nhiều ấn phẩm có nội dung phản biện, đấu tranh với những tư tưởng sai trái, lệch lạc, đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Thông tin tuyên truyền mang tính toàn diện, phản ánh đầy đủ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; tạo đồng thuận xã hội góp phần phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.
Tổ chức xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ báo chí phát triển ổn định, phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình mới góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, xây dựng cơ chế theo dõi, kiểm tra thông tin trên báo chí bảo đảm hoạt động phát triển báo chí đúng hướng, thống nhất, kịp thời, chính xác. Công tác quản lý báo chí đã có sự kết hợp với công nghệ trong theo dõi, giám sát, đánh giá nhằm có nhắc nhở, chấn chỉnh, định hướng thông tin kịp thời.
Kịp thời phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái; triệt phá, gỡ bỏ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, sai sự thật; quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật hoặc được gắn trên các nội dung vi phạm pháp luật. Quyết liệt đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, buộc các nền tảng này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xấu độc, tin giả, nội dung lừa đảo trên nền tảng của các đơn vị này.
Tăng cường áp dụng các chế tài bảo đảm xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đặc biệt là hành vi đưa thông tin sai sự thật.
Bộ đã ban hành quy định có sự phân định rõ giữa báo và tạp chí, không gây nhầm lẫn giữa chuyên trang với cơ quan báo chí; thể hiện tính chuyên sâu, chuyên ngành; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các hoạt động trong lĩnh vực báo chí, làm cơ sở cho các cấp có thẩm quyền ban hành đơn giá đặt hàng từ nguồn ngân sách nhà nước đối với cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như phản ánh của các cơ quan báo chí tại cuộc làm việc chỉ ra rằng, báo chí hiện nay phải cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ trên không gian mạng; hơn 80% quảng cáo trực tuyến chảy vào các nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó, ảnh hưởng bởi tác động của giai đoạn Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp khó khăn, dẫn đến quảng cáo, hợp tác truyền thông, tổ chức sự kiện giảm nhiều.
Cơ quan báo chí nhiều năm thực hiện theo cơ chế tài chính cũ (cấp phát) chưa tích cực chuyển đổi sang cơ chế thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng để có điều kiện huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Việc nhận đặt hàng từ ngân sách nhà nước thì gặp vướng mắc do định mức kinh tế - kỹ thuật...
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận những chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả công tác định hướng và quản lý thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông; sự cố gắng của các cơ quan báo chí trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Năm 2025, Thường trực Ủy ban đề nghị Bộ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả; đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động báo chí, xuất bản phát triển.
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí. Tập trung hoàn thiện các văn bản thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP để tăng cường quản lý các nền tảng xuyên biên giới; sửa đổi Nghị định số 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Quan tâm, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của các cơ quan báo chí.
Tăng cường công tác quản lý báo chí, thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, bảo đảm Nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, công tác truyền thông, báo chí, xuất bản từ đầu năm đến nay đã theo sát sự chỉ đạo, định hướng; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân, tích cực đấu tranh phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, đóng góp lớn vào tình hình phát triển của đất nước.
Đây là giai đoạn rất khó khăn với báo chí, cả về mặt cạnh tranh thông tin và kinh tế báo chí. Chia sẻ điều này, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban sẽ đồng hành với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như với các cơ quan báo chí, cố gắng truyền tải đầy đủ các kiến nghị xác đáng và xứng đáng; nghiên cứu xây dựng các chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. “Phải hỗ trợ, tạo điều kiện để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và phát triển; không để báo chí phải tự lo tất cả.”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nói.