Thường trực HĐND tỉnh Long An: Đối thoại về điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn

Tháo gỡ khó khăn phục vụ nhu cầu người dân tốt nhất

- Chủ Nhật, 04/04/2021, 23:39 - Chia sẻ
Ngoài tổ chức hoạt động chất vấn, giải trình, từ năm 2021, Chương trình Đối thoại được xem như hình thức giám sát thường xuyên của Thường trực HĐND tỉnh Long An. Chương trình Đối thoại với chủ đề về điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn, phát trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Long An vừa diễn ra nhằm làm rõ thực trạng, nguyên nhân, đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi, góp phần khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hạn chế liên quan đến việc cung cấp điện, nước. Qua đó, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Nhiều giải pháp, cam kết được đưa ra

Tại Chương trình Đối thoại, Ban Kinh tế - Ngân sách, đại biểu HĐND tỉnh, cử tri đã trao đổi, đối thoại rất thẳng thắn với UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng về những vấn đề liên quan và giải pháp trong thời gian tới. Theo phân tích, đánh giá, trong những năm qua, tỉnh Long An luôn quan tâm, tập trung đầu tư lĩnh vực điện, nước. Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt rất cao (99,39%), nước sạch đạt tỷ lệ khoảng 66%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp điện đạt đến 99,96%...

Quang cảnh Chương trình Đối thoại - ảnh Công Thành
Quang cảnh Chương trình Đối thoại
Ảnh: Công Thành

Tuy nhiên, việc cấp điện, nước vẫn còn là vấn đề bức xúc ở một số vùng. Theo đó, việc quy hoạch, phân vùng cấp nước chưa chặt chẽ, còn bất cập, có nơi chủ yếu dựa vào công trình cấp nước nhỏ lẻ, phân tán, khó quản lý và kém an toàn; công tác kiểm soát chất lượng nước vẫn còn nhiều vấn đề phải kiện toàn; nguồn lực đầu tư cấp nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tại một số nơi, còn xảy ra tình trạng thiếu nước, tỷ lệ nước hợp vệ sinh, nước sạch thấp... Về điện, nguồn vốn đầu tư cho phát triển lưới điện còn hạn chế và vướng về cơ chế đầu tư nên vẫn chưa hoàn thành việc xóa điện kế tổ (điện kế dùng chung) theo kế hoạch; điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất có nơi chưa đáp ứng yêu cầu; an toàn lưới điện ở nông thôn có nơi chưa được bảo đảm; thiếu điện, điện yếu vẫn còn là chuyện phản ánh nhiều kỳ của cử tri ở một số nơi.

Tại buổi đối thoại, nhiều giải pháp, cam kết về bảo đảm điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn đã được đưa ra. Đó là: Phải khẩn trương tổ chức thực hiện có hiệu quả đồ án điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Long An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước mắt, rà soát quy hoạch, phân vùng cấp nước phù hợp, tránh xảy ra tình trạng chồng lấn quy hoạch, vùng thừa, vùng thiếu nước. Ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư các công trình cấp nước tập trung, có quy mô lớn, liên xã, liên huyện; đồng thời, bảo đảm nguồn lực cho các công trình cấp nước ở vùng khó khăn mà các thành phần kinh tế không thể hoặc không muốn đầu tư. Cùng với nguồn ngân sách nhà nước, cần đề xuất cơ chế huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia thực hiện các dự án cấp nước tập trung. Rà soát, kiện toàn cơ chế phối hợp quản lý trên lĩnh vực cấp nước, bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng và an toàn nguồn nước cấp...

Đối với vấn đề về điện, cơ quan quản lý nhà nước và Công ty Điện lực Long An khẩn trương rà soát kỹ lại kế hoạch xóa điện kế tổ, xóa điểm không có điện để có giải pháp hữu hiệu, khả thi về huy động nguồn vốn thực hiện. Trọng tâm là cần có cơ chế, phương thức để huy động tối đa các nguồn vốn; đồng thời, tăng cường phối hợp để sớm có được nguồn vốn từ dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia cho tỉnh Long An theo Quyết định số 1740/QĐ-TTg trong giai đoạn 2021 - 2025. Cần có dự báo, lượng hóa nhu cầu để có phương án cung cấp hợp lý, lồng ghép đồng bộ nhiều chương trình, dự án để đồng bộ hóa, bảo đảm phục vụ tốt việc sản xuất, ưu tiên cho vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có giải pháp khuyến khích, hướng dẫn người dân lắp đặt và sử dụng điện năng lượng tái tạo, nhất là tại những vùng tiềm năng…

Phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân nông thôn

Kết luận Chương trình Đối thoại, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều hoan nghênh tinh thần đối thoại trách nhiệm, thẳng thắn; chia sẻ những khó khăn của cơ quan quản lý nhà nước, ngành điện lực, nhất là khó khăn trong điều phối nguồn lực đầu tư; thống nhất với các giải pháp do UBND tỉnh, ngành chức năng đưa ra. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về các giải pháp bảo đảm chất lượng, an toàn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh; có cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền tỉnh để hỗ trợ đầu tư phát triển lưới điện, giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân về điện, nhất là bảo đảm 100% dân có điện sinh hoạt và xóa điện kế dùng chung từ 5 hộ trở lên trong năm 2021, lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và bảo vệ biên giới.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và địa phương tập trung rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các bất cập, vướng mắc cụ thể cử tri và đại biểu HĐND tỉnh đã phản ánh, như: Tình trạng thiếu nước tại xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước nói riêng và vùng hạ của huyện Cần Đước, Cần Giuộc nói chung; tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ nói riêng và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; vấn đề giá nước còn bất cập... Về điện, phải khắc phục, sửa chữa các trụ điện trên các tuyến kênh có đường điện dân kéo vượt sông tại khu vực Đồng Tháp Mười nói riêng, toàn tỉnh nói chung; thường xuyên kiểm tra các đường dây hạ áp sau điện kế để bảo đảm việc sử dụng điện hiệu quả, an toàn, tiết kiệm…

“Chúng ta phải lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để nắm được vấn đề bức xúc; tích cực tìm nguyên nhân, có giải pháp cụ thể, rõ ràng và phải làm hết trách nhiệm để bảo đảm cung cấp điện, nước phục vụ tốt nhất nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho người dân ở nông thôn” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều nhấn mạnh.

CÔNG THÀNH