Tháo gỡ khó khăn phát sinh từ thực tiễn quản lý nhà nước về quốc tịch
Thảo luận tại Tổ 6 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hà Giang, Bình Định) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, các đại biểu đề xuất, sửa đổi, bổ sung các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với các trường hợp đã bị thu hồi, hủy bỏ hoặc chấm dứt giá trị các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), ĐBQH Phạm Thị Minh Huệ (Sóc Trăng) cho biết, tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định về Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam gồm: Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử và các giấy tờ khác do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các quy định này đã phát sinh những vướng mắc như: có trường hợp có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam nhưng hiện họ không còn là công dân Việt Nam; hay có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam nhưng lại không thuộc một trong những căn cứ được xác định có quốc tịch Việt Nam.
"Vấn đề này đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có liên quan", đại biểu Phạm Thị Minh Huệ cho biết.

Thực tế thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, các biện pháp quy định để thu hồi, hủy bỏ hoặc chấm dứt giá trị các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của người đã được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam chưa hiệu quả, dẫn đến có những người đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng vẫn sử dụng Chứng minh nhân dân, Thẻ Căn cước, hộ chiếu Việt Nam... để chứng minh tư cách công dân Việt Nam khi quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Do đó, nhiều trường hợp đã lợi dụng kẽ hở này, sử dụng các giấy tờ không còn giá trị pháp lý để thực hiện các giao dịch, gây ra những hệ quả phức tạp cho công tác quản lý nhà nước.
Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc quản lý đối với các trường hợp đã bị thu hồi, hủy bỏ hoặc chấm dứt giá trị các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này thời gian tới.
Tại Khoản 3 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 2 của Điều 16 Dự thảo Luật quy định: Trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con vào thời điểm thực hiện thủ tục về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo hướng dẫn của Chính phủ.
Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thố Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.
Đối với quy định trên, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định làm rõ hoặc giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể nội dung "cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con" để xác định rõ như thế nào được coi là không thỏa thuận được.
Ví dụ như: không thỏa thuận được về hình thức, thời hạn, hay cách thức thể hiện sự không thỏa thuận được cụ thể như nào; không thỏa thuận bằng văn bản, hoặc việc không đồng ý được gửi bằng văn bản để làm cơ sở thực hiện được thống nhất.
"Nếu không hướng dẫn rõ ràng nội dung này sẽ dẫn đến việc thực hiện gặp lúng túng, thiếu tính thống nhất, đồng bộ của việc hướng dẫn hồ sơ trong trường hợp "cha mẹ không thỏa thuận được" khi thực hiện giữa các địa phương, thậm chí có thể dẫn đến bị kéo dài thời gian thực hiện thủ tục, hoặc có rủi ro pháp lý sau này", đại biểu lưu ý.

Chính sách cấp quốc tịch theo dự thảo Luật hiện đang chia thành hai nhóm đối tượng: một là, nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia; hai là, người có thân nhân là công dân Việt Nam.
Đối với nhóm thứ hai, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần có yêu cầu cụ thể về trình độ tiếng Việt để bảo đảm họ có thể hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam. Ngoài tiếng Việt, cần yêu cầu họ hiểu biết về văn hóa, lịch sử Việt Nam để thực sự trở thành công dân Việt Nam, không chỉ là nhập tịch để được hưởng quyền lợi.