Tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế Bắc Giang
Trước những khó khăn về trang thiết bị, vật tư cho ngành Y tế, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế theo Nghị quyết 5/2005/NQ- CP của Chính phủ nhằm thu hút các nguồn lực tham gia phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu và giải pháp cụ thể đã được đề ra.
Là tỉnh miền núi, đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách mới đáp ứng gần 1/3 nhu cầu chi của địa phương nhưng thời gian qua, Bắc Giang đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho ngành Y tế. Trong 2 năm 2005- 2006 tỉnh đã đầu tư 17.346 triệu đồng mua sắm trang thiết bị y tế; 43.160 triệu đồng nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế. Khắc phục khó khăn từ nguồn kinh phí còn hạn hẹp, trong 2 năm, tỉnh đã vận động được 13.364 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất cho y tế từ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án trong, ngoài nước và nguồn viện trợ quốc tế. Nhờ đó, đến nay hầu hết các cơ sở y tế tuyến tỉnh đã được cải tạo, nâng cấp; Các cơ sở y tế của 7/10 huyện đã được đầu tư sửa chữa, xây dựng; 116 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 20% số xã đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về trạm y tế vào năm 2007. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã liên kết với một số doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân như: máy chụp cắt lớp, máy tán sỏi ngoài cơ thể…với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng.
Mặc dù tỉnh đã có nhiều cố gắng, nhưng hiện tại trang thiết bị y tế ở các cở sở đều thiếu thốn và hầu hết đã lạc hậu, xuống cấp: Các trang thiết bị y tế mới chỉ đáp ứng được từ 40- 50% so với tiêu chuẩn quy định. Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới chỉ đạt 30- 40% so với tiêu chuẩn về trang thiết bị của bệnh viện đa khoa hạng II do Bộ Y tế ban hành; Một số phương tiện khám chữa bệnh hiện đại không hoạt động được. Tình trạng thiếu trang thiết bị tại các trung tâm y tế dự phòng còn trầm trọng hơn, hiện tại chưa có phòng xét nghiệm nào đạt yêu cầu; Theo danh mục chuẩn thức trang thiết bị cho y tế dự phòng tuyến cơ sở thì 41/70 danh mục không có, các danh mục còn lại cũng không có đủ ở các cơ sở y tế. Để tháo gỡ những khó khăn này, UBND tỉnh đã chủ trương thực hiện xã hội hóa các hoạt động y tế theo Nghị quyết 05/2005/NQ- CP của chính phủ. Theo đó, phấn đấu đến năm 2010 tất cả các cơ sở y tế công lập của tỉnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/CP của Chính phủ; 85% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 80% dân số có bảo hiểm y tế; Phấn đấu đạt tỷ lệ giường bệnh bình quân ở tuyến tỉnh và huyện đạt 18 giường bệnh/1nghìn dân, trong đó có khoảng 8% giường của bệnh viện tư nhân; Thành lập 1- 2 bệnh viện tư nhân với quy mô từ 50 đến 200 giường bệnh đồng thời tăng 30% số phòng khám tư nhân.
Để thực hiện những chỉ tiêu trên, với hệ thống y tế công lập, hướng của tỉnh là phát triển mạng lưới y tế dự phòng đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh; Mở rộng và sắp xếp lại mạng lưới khám chữa bệnh và phục hồi chức năng. Việc phát triển mạng lưới y tế ở tuyến tỉnh sẽ được thực hiện theo hướng xây dựng và từng bước hiện đại hóa các bệnh viện tuyến tỉnh, nhất là bệnh viện Đa khoa; Mở thêm một số khoa lâm sàng đáp ứng nhu cầu của người dân đồng thời nghiên cứu, lựa chọn để tiến hành cổ phần hóa một số bệnh viện công lập. Nâng cấp bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn và thành lập thêm bệnh viện Đa khoa khu vực Thanh Sơn để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn các khu công nghiệp trọng điểm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu của người dân về các dịch vụ y tế thiết yếu. Để việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất có hiệu quả, tỉnh sẽ thực hiện đầu tư đồng bộ, tập chung cho từng giai đoạn, đặc biệt là gắn việc đầu tư trang thiết bị y tế với việc đào tạo, vận hành và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị này. Bên cạnh hệ thống y tế công lập, tỉnh khuyến khích phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn để thành lập và phát triển các bệnh viện ngoài công lập, Trung tâm tư vấn sức khỏe, phòng khám tư, các dịch vụ y tế theo nhu cầu của người dân…
Chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế là hướng để Bắc Giang tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất, giúp cho ngành Y tế có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của cộng đồng. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu và kế hoạch đã đề ra, rất cần đến quan tâm của các ngành, các cấp và sự ủng hộ tích cực của nhân dân.
Hồng Chính