Thanh toán điện tử - con đường gập ghềnh

Hà An 09/12/2016 08:11

Thương mại điện tử và công nghệ di động đã mang lại những cơ hội to lớn và tác động mạnh mẽ đến ngành bán lẻ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, tại Diễn đàn “Thương mại điện tử, công nghệ di động với ngành dịch vụ bán lẻ” diễn ra ngày 8.12 tại Hà Nội, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, con đường thanh toán điện tử ở nước ta vẫn rất gập ghềnh.

Internet thay đổi ngành bán lẻ

Tuy mới phát triển nhưng doanh thu của thương mại điện tử ở nước ta đã đạt 4,07 tỷ USD vào năm 2015, tăng gấp 5 lần so với năm 2012, trung bình tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử là hơn 30%/năm, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam cho biết. Cũng theo ông Hưng, cả nước hiện có 600.000 doanh nghiệp có pháp nhân, nhưng trên thực tế có 2,4 triệu đơn vị đang kinh doanh bán lẻ dịch vụ và 400.000 đơn vị kinh doanh qua internet.

Là quốc gia có kết nối di động cao, 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội để phát triển thương mại giao dịch điện tử. Xu hướng mua bán online, đặc biệt qua điện thoại di động đang ngày một gia tăng ở Việt Nam. Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, hiện nay, trước khi quyết định mua sắm, có tới 70% lên mạng tìm kiếm thông tin và địa chỉ mua hàng, 82% người dùng vào điện thoại để quyết định mua gì ngay khi đang ở trong các cửa hàng.

 “Sự ra đời của thương mại điện tử tạo nên cuộc chuyển hướng đầu tiên trong cách mua bán, cho phép người tiêu dùng có thể mua hàng ở bất cứ nơi đâu chỉ với chiếc máy tính có kết nối internet. Điều này cho phép khách hàng vượt qua các ranh giới để tiếp cận thị trường toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nói tại Diễn đàn. Trên thực tế, chỉ với một thiết bị di động thông minh, khách hàng như được bước vào một cửa hiệu, tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá cả và tính chất cùng chất lượng món hàng giữa những thương hiệu khác nhau, rồi chọn mặt hàng, trả tiền hóa đơn và ra về với món hàng ưng ý. Công nghệ di động đã hỗ trợ người tiêu dùng thực hiện tất cả các việc đó một cách nhanh chóng và đơn giản ngay tại cửa hàng trên phố hay trong các cửa hàng ảo trên internet.

Thói quen khó bỏ

Tốc độ tăng trưởng bán lẻ của Việt Nam xấp xỉ 9,5%. Trong đó, tỷ trọng bán lẻ truyền thống chiếm 80% còn 20% bán lẻ hiện đại. Trong bán lẻ hiện đại có bán lẻ thương mại điện tử. Hiện nay, bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 2,8%, trong năm 2015 mới đạt trên 4 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp tham thương mại điện tử chưa nhiều, chủ yếu tập trung là các doanh nghiệp lớn. Mục tiêu đến năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ điện tử của Việt Nam phấn đấu đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tôi tin rằng, với cơ chế chính sách của Chính phủ đối với lĩnh vực thương mại điện tử  ngày càng hoàn thiện thì thương mại điện tử của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa

Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu thị trường, ông Phạm Thành Công, Công ty Nielsen cho rằng, thị trường Việt Nam năng động, có nhiều sáng tạo và chấp nhận rủi ro. “Đây là một thị trường sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới, trong đó có thương mại điện tử”, ông Công nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng cũng đưa ra dự báo: Từ nay tới năm 2020, thương mại điện tử sẽ phát triển rất nhanh khi mà nền kinh tế đã qua khỏi khủng hoảng, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng doanh nghiệp trong nước tăng nhanh và Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử cho giai đoạn này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hưng cũng cho biết, hiện đang có bất cập là: Người mua vẫn thích trả tiền mặt mặc dù trên các trang web bán hàng đã có nhiều cách thức thanh toán trực tuyến. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp phải đưa ra các giải pháp thanh toán ngoại tuyến phục vụ khách hàng, chẳng hạn thanh toán cước phí bằng tiền mặt tại các điểm bán lẻ, thay vì tập trung phát triển các ứng dụng thanh toán trực tuyến. Điều này đi ngược với xu hướng ở các quốc gia khác.

Đồng quan điểm với ông Hưng, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận xét: Con đường thanh toán điện tử tại Việt Nam còn rất gập ghềnh. Lo lắng của bà Loan là có cơ sở, bởi không thể thay đổi thói quen mua sắm, thanh toán người tiêu dùng chỉ trong ngày một ngày hai. Điều này đòi hỏi yếu tố thời gian - để người tiêu dùng trải nghiệm với phương thức thanh toán hiện đại, đòi hỏi nỗ lực của các nhà bán lẻ trong việc hoàn thiện dịch vụ và đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế, chính sách hiệu quả để phát triển thương mại điện tử. 

Trong khi đó, theo nhìn nhận của ông Phạm Thành Công, với 1,3 triệu cửa hàng truyền thống, chiếm 85% doanh thu của ngành bán lẻ và hơn 65 triệu người sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 54% tổng doanh số ngành bán lẻ, đây là những cơ hội tiềm năng mà thương mại điện tử cần khai thác. Đáp ứng được thị trường nông thôn, ngành bán lẻ nói chung và thương mại điện tử nói riêng sẽ tạo được đà quan trọng để tiệm cận những mục tiêu phát triển đã đặt ra trong đẩy mạnh thương mại điện tử, ông Công phân tích.
Tuy nhiên, ông Công cũng nhấn mạnh, cần phải giải quyết được thách thức lớn hiện nay trong thương mại điện tử là thông tin giữa thị trường thực và ảo phải đồng nhất để tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Nhà bán lẻ buộc phải thay đổi chiến lược về giá để bảo đảm giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Cùng với đó là việc phân khúc khách hàng, các nhà bán lẻ cần phải biết được người tiêu dùng cần gì khi họ đến với mình, từ đó có chiến lược marketing phù hợp.  

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thanh toán điện tử - con đường gập ghềnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO