Thành thục kỹ năng, tăng hiệu quả hoạt động

- Thứ Hai, 28/06/2021, 06:16 - Chia sẻ
Theo Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Quốc Thắng, để hoạt động hiệu quả và làm tốt vai trò của mình, các đại biểu HĐND cần được trang bị, nắm chắc và vận dụng thành thục các kỹ năng quan trọng. Bên cạnh đó, việc tổ chức tập huấn cho đại biểu nên được tăng cường và cải tiến nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn.

Cần thiết và hữu ích

- Ông đánh giá thế nào về những kiến thức, kỹ năng hoạt động do ngành nội vụ trang bị cho đại biểu HĐND khi bắt đầu nhiệm kỳ mới?

- 5 năm trước, cũng thời điểm này tôi trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận và được tham gia lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh do Bộ Nội vụ tổ chức. Tôi vẫn nhớ chuyên đề về kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND vì các kiến thức thu được từ buổi học đó đã theo tôi suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Đó là các kỹ năng thuyết trình, tranh luận, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân... Có thể nói đây chính là những kiến thức nền, những nghiệp vụ căn bản mà đại biểu dân cử luôn phải va đập. Nó đã giúp tôi nhập cuộc nhanh hơn, tự tin hơn khi giải quyết các tình huống trong quá trình hoạt động.

Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Quốc Thắng

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi không chỉ thường xuyên “ôn luyện” để nắm và vận dụng những kiến thức, kỹ năng đó, mà còn đối chiếu, so sánh với thực tiễn để rút ra kinh nghiệm và nâng dần năng lực hoạt động. Chẳng hạn, trong hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, làm sao lựa chọn vấn đề chất vấn đúng, trúng, hay để từ đó đặt câu hỏi chính xác, quy đúng trách nhiệm... Tuy nhiên, trên thực tế, tôi thấy có một số đại biểu HĐND tỉnh vẫn nhầm lẫn giữa chất vấn với đặt câu hỏi thông thường để biết thông tin nên chất lượng chất vấn chưa cao.

Nhưng chưa đủ

- Theo ông, các kỹ năng trang bị cho đại biểu đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chưa?

- Như trên đã nói, những kiến thức từ lớp bồi dưỡng là rất cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của các đại biểu.

Thực tế, thời gian bồi dưỡng ngắn, khoảng 3 - 4 ngày, nên những kiến thức đại biểu được truyền đạt chủ yếu là kiến thức bao quát, mang tính chất “nền” và lý thuyết. Trong khi đó, các nhiệm vụ cụ thể của đại biểu theo luật thì rất nhiều; thực tiễn hoạt động lại rất phong phú, đa dạng, thường xuyên phát sinh vấn đề mới so với những kiến thức mà đại biểu được trang bị. Hơn nữa, những kiến thức liên quan đến kỹ năng của đại biểu thì phải được thực hành và hoàn thiện dần trong quá trình hoạt động thực tiễn.

Tuy nhiên, đối với đại biểu mới trúng cử thì ở thời điểm đầu nhiệm kỳ chưa thể hình dung hết hoạt động thực tiễn nên cũng khó tiếp thu hết kiến thức, kỹ năng ngay tại lớp bồi dưỡng. Mặc khác, phần lớn báo cáo viên lại không phải là người đã hoặc đang công tác trong các cơ quan dân cử nên việc truyền đạt có phần hạn chế.

Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, ngoài lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp tỉnh do Bộ Nội vụ tổ chức nói trên, Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và Thường trực HĐND cấp xã vào năm 2017. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ, các đại biểu chuyên trách của HĐND tỉnh, HĐND các huyện, thị xã, thành phố còn được Thường trực HĐND tỉnh cử tham dự nhiều hội nghị, hội thảo do các cơ quan của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức để học tập, trao đổi kinh nghiệm hoạt động.

Dù được trang bị kỹ đến đâu nhưng tự thân mỗi đại biểu phải luôn thể hiện bản lĩnh, trình độ và trách nhiệm cao với cử tri, với Nhân dân; phải thường xuyên rèn luyện cái đã có; tự học tập, tìm tòi, nghiên cứu cái mới để có kiến thức toàn diện phục vụ nhiệm vụ của mình. 

Một buổi tập huấn cho các tân nữ đại biểu HĐND

Nên bồi dưỡng, tập huấn thêm

- Từ thực tiễn hoạt động 5 năm qua, ông cho rằng các đại biểu cần được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng gì?  

- Qua một nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh, bản thân tôi nhận thấy việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cho đại biểu HĐND các cấp nói chung và đại biểu HĐND cấp tỉnh nói riêng nên được tăng cường và có sự cải tiến để đem lại hiệu quả tốt hơn.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Nội vụ nên phối hợp với Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp tỉnh, nhất là về đội ngũ báo cáo viên và nội dung cần tập huấn. Ngoài ra, các địa phương tùy theo tình hình thực tế nên phối hợp với Ban Công tác đại biểu để tổ chức thêm ít nhất một lần bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp ở địa phương mình vào đầu hoặc giữa nhiệm kỳ. Trong đó tập trung tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng quan trọng, cần thiết như: Kỹ năng phân tích chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kỹ năng thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp HĐND; kỹ năng thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND (nhất là các lĩnh vực về ngân sách, đầu tư, quản lý đất đai…); kỹ năng giám sát chuyên đề; kỹ năng chất vấn; kỹ năng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…

Những kỹ năng nói trên rất quan trọng, gắn chặt với hoạt động chủ yếu, thường xuyên của đại biểu HĐND. Năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động sẽ được nâng lên rất nhiều nếu các đại biểu đều nắm vững, hiểu rõ và vận dụng tốt các kỹ năng này vào thực tiễn hoạt động của mình. 

- Xin cám ơn ông!

Thái Bình