Thành phố xanh quốc gia
Những năm qua, để xây dựng và hoàn thiện đồng bộ khung cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, TP. Cần Thơ đã ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch như: Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 22.3.2021 “về thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP. Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030”; Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 21.5.2021 “về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch số 5114/KH-UBND ngày 2.6.2023 “về thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn TP. Cần Thơ”; Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 22.9.2022 “về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn TP. Cần Thơ”.
Trên cơ sở đó, thành phố tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, năng lượng; tăng cường ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số để nâng cao chất lượng tăng trưởng.
TP. Cần Thơ có vị trí địa lý trung tâm vùng ĐBSCL, là cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong. Quan điểm phát triển TP. Cần Thơ đã được xác định trong Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5.8.2020, của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị) là: “Xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội, mà cả về chính trị, quốc phòng, an ninh”. Do vậy, việc phát triển Cần Thơ thành thành phố xanh thể hiện sự nhất trí, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố trong quán triệt thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên là những thách thức lớn đang đặt ra cho nhân loại trong thế kỷ XXI
Song song với tăng cường truyền thông chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh, thành phố khuyến khích những hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh hài hòa với thiên nhiên, với các giá trị văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đối khí hậu. Cùng với tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tổ chức Lễ phát động hưởng ứng ngày môi trường hằng năm, thành phố thường xuyên triển khai nhiều chương trình thiết thực như: “Ngày Chủ nhật xanh”; “Thứ Bảy tình nguyện”; “Đổi rác thải lấy quà tặng”; “Tuyến đường/khu dân cư xanh - sạch - đẹp”; “Phường sạch rác”; "Ngày Trái đất"... thu hút được đông đảo người dân, doanh nghiệp tham gia.
Thời gian qua, thành phố đã tích cực huy động các nguồn lực tài chính thực hiện nhiều dự án, phi dự án, chương trình như: “Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; “Hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) TP. Cần Thơ”; “Thu gom tự động rác nổi trên sông tại TP. Cần Thơ”; “Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu và tăng cường mạng lưới quan trắc xâm nhập mặn tại TP. Cần Thơ”; “Thí điểm ở quy mô nhỏ việc phân loại rác tại nguồn ở Cần Thơ”; “Blue Dragon Việt Nam - Nâng cao năng lực quản lý nguồn nước ở ĐBSCL” (giai đoạn 1) tại TP. Cần Thơ...
Song song đó, TP. Cần Thơ chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng không khí; triển khai các dự án nâng cao năng lực quan trắc, giám sát môi trường, quản lý nguồn thải; kiểm soát chặt chất lượng môi trường đất, nước, không khí tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, làng nghề. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh tăng trưởng xanh dựa trên ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin được thành phố xác định là một nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với việc xây dựng và triển khai “Đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ”, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, gắn với xây dựng và phát triển đô thị thông minh; tập trung xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ chính quyền số để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tăng trưởng xanh, kinh tế xanh.
Mặt khác, TP. Cần Thơ đã phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam triển khai nhiều hoạt động kết nối, thu hút nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận các nội dung liên quan đến hợp tác trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời thông tin về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đến các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các cảnh báo, rào cản, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh… giúp doanh nghiệp chủ động phát triển thị trường.
Với những nỗ lực đó, năm 2017, Cần Thơ được công nhận là “Thành phố có tiềm năng bền vững môi trường ASEAN lĩnh vực không khí”; năm 2021 đạt danh hiệu “Thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 5” và năm 2024 được trao tặng danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia năm 2023 - 2024”.
Ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp
Hướng đến mục tiêu Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra là đến năm 2045, TP. Cần Thơ trở thành: “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Song song đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh gắn với khuyến khích, ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch. Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng xanh hóa sản xuất.
Để đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ mới, tiên tiến, thành phố tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực triển khai các dự án liên quan đến lĩnh vực phát triển xanh, kinh tế xanh. Cùng với tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để nghiên cứu, triển khai mô hình dự án thí điểm theo tiêu chuẩn quốc tế, thành phố sẽ xây dựng các giải pháp khả thi huy động và quản lý tốt nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển xanh, kinh tế xanh toàn diện và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có của thành phố.
Chú trọng công tác giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức từ trong hệ thống chính trị đến toàn xã hội về phát triển xanh, kinh tế xanh trên cơ sở thay đổi hành vi tiêu dùng và sản xuất, hướng đến một lối sống xanh và bền vững. Hoàn thành và triển khai “Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo hướng tích hợp, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ĐBSCL, phát triển Cần Thơ thành đô thị sông nước sinh thái, văn minh, hiện đại; là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, kết nối với chuỗi đô thị vệ tinh trong vùng.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế theo hướng song phương và đa phương, đặc biệt là tranh thủ sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các quốc gia có nhiều kinh nghiệm về phát triển xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam về thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.