Thành phố như tuyệt tác tập thể

Thảo Nguyên 07/03/2022 06:48

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều dự án cải tạo không gian sống ở Hà Nội, với sự tham gia của cộng đồng từ nghệ sĩ, nhà quy hoạch cho tới những người làm về môi trường, kể cả người bán hàng rong. Các hoạt động như vậy tạo cơ hội cho người dân tham gia kiến tạo thành phố của mình một cách sáng tạo và hiệu quả, đưa thủ đô trở thành nơi đáng sống cho mọi người.

Tạo hệ sinh thái xã hội
Cách đây hơn một năm, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cùng người dân Tổ 16, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đã khánh thành không gian công cộng đa chức năng ven sông Hồng (còn gọi là bờ vở). Từ một góc nhỏ ven sông đầy rác thải, khu vực này đã được cải tạo thành khu vui chơi cho trẻ em, địa điểm tập thể dục cho người lớn hay họp cộng đồng... Hoạt động này đặc biệt vì không chỉ có sự tham gia của chính quyền địa phương, mà còn huy động được sự đóng góp của người dân và những người yêu mến Hà Nội. 
Thành công của dự án tạo thêm niềm tin và động lực cho các bên tiếp tục thực hiện dự án cải tạo môi trường ở khu vực bờ vở sông Hồng, mà thành quả mới nhất là không gian ở ngách 43/32 Bạch Đằng, phường Chương Dương, cách không gian Phúc Tân khoảng 2km. 
Anh Lê Quang Bình, điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết: Dự án cải tạo cảnh quan và trồng cây xanh tại bờ vở sông Hồng được khởi xướng từ tháng 11.2021, trong sự nghi ngờ, không mấy tin tưởng của mọi người. Tuy nhiên, sau đó, dự án đã nhận được sự góp sức nhiệt tình của cộng đồng địa phương cùng đông đảo tình nguyện viên chung tay dọn hơn 200 tấn rác thải, biến nơi đây thành vườn rừng cộng đồng, sân chơi cho trẻ em và đường kết nối cộng đồng với không gian xanh. 
“Dự án không chỉ biến 1.500m2 bãi rác thành một không gian xanh, sạch và đa chức năng mà còn tạo ra một nền tảng cho nhiều cá nhân, tổ chức chung tay; tạo thêm hứng khởi, kinh nghiệm để các thành viên trong mạng lưới tiếp tục nhân rộng mô hình tại nhiều khu vực khác của bờ vở sông Hồng” - anh Lê Quang Bình chia sẻ.

Việc huy động nhiều bên tham gia cũng khiến công trình thực sự trở thành một hệ sinh thái xã hội, nơi mà mỗi bên đóng góp một phần dựa trên vai trò và năng lực của mình để mở rộng không gian xanh cho Hà Nội.
Thực hiện các dự án ở Hà Nội vừa qua, chị Chu Kim Đức, doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds, thành viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết: “Mọi người vẫn thường nói quận Hoàn Kiếm là nơi sầm uất, đông đúc, không gian công cộng là điều xa xỉ, nhưng thật ra ở phường Phúc Tân lại rất tiềm năng, dù nơi đây từng bị coi là “bờ rìa” của thành phố, nơi rác thải xây dựng, sinh hoạt đổ về”.
Thăm dò ý kiến của lao động di cư, cũng như người định cư ở xung quanh Tổ 16, phường Phúc Tân, Think Playgrounds thấy rằng, mọi người đều muốn có không gian sạch đẹp; trẻ em muốn bãi rác biến mất và có sân chơi. Dù mong muốn như vậy, nhưng ban đầu trao đổi, họp với cộng đồng, không ít người nghi ngờ về mục đích, cách làm của Mạng lưới. Tuy nhiên, vừa làm vừa giải thích, khắc phục, nhóm đã dần thực hiện được mục tiêu đề ra và được mọi người phấn khởi, ủng hộ. 
“Người dân tự mua sơn sơn hàng rào, mua công cụ bổ sung vào sân chơi, mang cây của nhà mình ra trồng cho khu vực chung” - KTS. Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, nhóm Think Playgrounds chia sẻ. Qua đó, anh khẳng định, cộng đồng là chuyên gia trong việc sử dụng không gian công cộng của họ, từ thiết kế đến xây dựng, vận hành. Những nhà chuyên môn chỉ đóng vai trò xúc tác, truyền cảm hứng, đối thoại, tư vấn cho cộng đồng...

Một góc không gian công cộng Phúc Tân Ảnh: Vì Một Hà Nội đáng sống
Một góc không gian công cộng Phúc Tân

Ảnh: Vì Một Hà Nội đáng sống 

Khơi thông nguồn lực kiến tạo đô thị

“Thành phố như tuyệt tác tập thể” là triết lý nhân văn và ngày càng phổ biến trên thế giới. Theo các chuyên gia, nếu các cá nhân chủ động và có quyền tham gia đóng góp vào xây dựng thành phố thì thành phố sẽ có cơ hội trở thành nơi đáng sống cho mọi người. 
Từ thành công của không gian công cộng Tổ 16 Phúc Tân tới không gian ở ngách 43/32 Bạch Đằng, sự tham gia và tính sở hữu không gian chung của cộng đồng đã được làm rõ. “Quá trình tham gia dự án giúp cho từng cá nhân trong cộng đồng cảm thấy gắn bó với không gian công cộng, tạo nền tảng nhận thức về tính sở hữu và trách nhiệm bảo vệ, làm đẹp các không gian công cộng. Bên cạnh đó, dự án có sự hợp tác giữa nhiều đối tác, góp phần cải tạo không gian công cộng sạch, đẹp, đa chức năng” - KTS. Nguyễn Tiêu Quốc Đạt nói.
Theo PGS.TS. Phạm Thúy Loan, Viện Kiến trúc Quốc gia, các dự án như vậy có cách tiếp cận “từ dưới lên”, không nằm trong kế hoạch, quy trình, có sự linh hoạt, trong đó vai trò của cộng đồng được khẳng định. Cách tiếp cận này theo hướng kiến tạo nơi chốn, đặc biệt giúp tạo không gian công cộng đã được thực hiện trong tiến trình phát triển đô thị của nhiều nước và có lẽ chúng ta đang bắt kịp với tiến trình chung của thế giới. Điều này là tất yếu và sẽ diễn ra nhiều hơn trong tương lai.
Đây còn là quá trình hàn gắn, gắn kết cộng đồng, khiến con người gắn bó với môi trường sống, với cộng đồng, có ý thức trách nhiệm làm đẹp cho thành phố, vì cuộc sống của chính họ. PGS.TS. Phạm Thúy Loan cho rằng, thời gian tới, cần đẩy mạnh sự hợp tác và đối thoại nhằm khơi thông nguồn lực chung, tạo dựng các không gian công cộng, giúp thành phố đáng sống hơn. Trong sự hợp tác này, cộng đồng phải là động lực chính kiến tạo đô thị, nhà nước chủ yếu ủng hộ và tạo điều kiện, trao quyền và lắng nghe. 
PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương - Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng tình: Bản chất thành phố là nơi gặp gỡ, xây dựng đời sống chung của những người có gốc gác khác nhau. Thành phố là sự tổng hợp của những cuộc đời, những hoạt động sống. Bởi vậy, mỗi công dân của thành phố đều có quyền tham gia và đều có thể góp phần tạo dựng nên thành phố mà chúng ta định nghĩa thế nào là đáng sống. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thành phố như tuyệt tác tập thể
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO