Thành phố Hồ Chí Minh giám sát chặt chẽ tiêm vaccine sởi

Sau ngày thứ 3 tiêm bổ sung vaccine sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiến dịch của chính quyền thành phố vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo từ người dân.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, hoạt động tiêm chủng được tổ chức tại các trạm Y tế trên 100% địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức từ sáng ngày 31.8 không chỉ đạt kết quả tích cực mà còn nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng.

Được biết, 3 đoàn giám sát của các đơn vị thuộc lực lượng y tế thành phố đã thực hiện kiểm tra theo kế hoạch tại các trạm Y tế thuộc quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh trong bối cảnh số ca sởi có dấu hiệu tập trung tại khu vực vùng ven.

Đa số các gia đình đều đồng thuận với quyết tâm tiêm vaccine xuyên kỳ nghỉ lễ của thành phố vì ngày thường họ tương đối khó xin nghỉ làm để đưa con đi. Đây là cơ hội để giúp các gia đình dễ dàng thực hiện tiêm phòng cho con cái.

Kết quả giám sát cho thấy quy trình tổ chức tiêm chủng tại các trạm Y tế được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế. Các điểm tiêm đều đảm bảo an toàn và hiệu quả, từ khâu chuẩn bị đến tiêm chủng và xử lý phản ứng sau tiêm. Công tác truyền thông tại các trạm Y tế cũng được thực hiện rộng rãi, giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tiêm phòng và khuyến khích họ đưa trẻ em đi tiêm đúng lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh giám sát chặt chẽ tiêm vaccine sởi -0
Người dân quận Phú Nhuận đưa con trẻ đi tiêm vaccine ngừa bệnh sởi

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung, ngay khi ghi nhận ca bệnh sởi tăng nhanh trên địa bàn vào tháng 6, quận đã quyết liệt tổ chức tiêm bù, tiêm vét khoảng 2 nghìn liều. Hiện tại, còn khoảng gần 3 nghìn trẻ thiếu mũi vaccine sởi. Dự kiến, mỗi buổi tại mỗi trạm y tế (toàn quận có 10 điểm) sẽ có 30-60 trẻ được tiêm ngừa vaccine. Đây cũng là con số kỳ vọng thực hiện tại những điểm nóng còn lại trên địa bàn toàn thành phố,

Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố BS Nguyễn Duy Long cho biết, an toàn tiêm chủng vẫn là điều quan trọng nhất. Mỗi điểm tiêm có 3 lực lượng xử trí nếu xảy ra phản ứng sau tiêm, bao gồm: đội tiêm, ê-kíp và xe cấp cứu tại điểm tiêm, bệnh viện gần nhất. Trung tâm Cấp cứu 115 đã phân công lực lượng trực tổng đài để tiếp nhận thông tin, 1 ê-kíp cấp cứu ngoại viện sẵn sàng chi viện khi có tình huống nguy cấp.

Trong kế hoạch của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, 2 nhiệm vụ quan trọng nhất trong phòng chống dịch sởi lần này là tăng miễn dịch trong cộng đồng, đảm bảo đạt trên 95% và bảo vệ trẻ nguy cơ (bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch...). Việc đảm bảo miễn dịch cộng đồng sẽ tạo thành "bức tường chắn" quan trọng, bảo vệ được những trẻ thuộc nhóm nguy cơ chưa được tiêm chủng vì các lý do khách quan. Đây là đối tượng sẽ gặp biến chứng nghiêm trọng nếu mắc bệnh sởi.

Để tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã lập danh sách tất cả trẻ trên địa bàn (thường trú và tạm trú), nếu chưa tiêm đủ mũi sẽ được tiêm ngay. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  đã đặt Thành phố Hồ Chí Minh mua và tiếp nhận 300 nghìn liều vaccine, phân bổ gần 90 nghìn liều cho các Trung tâm Y tế quận huyện tổ chức tiêm ngừa trong 4 ngày nghỉ lễ 2.9.

Tin tức

Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Ảnh: PV
Sức khỏe

Chính sách “cốt lõi” hướng tới mục tiêu giảm thiểu tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam

Giới chuyên gia nhìn nhận, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh.