Thanh Hóa tăng cường nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS
Hiện nay, tình hình dịch HIV/AIDS ở Thanh Hóa, đặc biệt ở khu vực miền núi vẫn đang trong giai đoạn tập trung, các ca nhiễm HIV/AIDS chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy. Để bảo đảm bền vững các kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, giảm thiểu số người lây nhiễm HIV do tiêm chích, Thanh Hóa sẽ tăng cường nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến.
Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến tháng 11.2016, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là 7.398 người, trong đó có 4.300 người đang còn sống và quản lý được, có 63,2% người nhiễm HIV có liên quan đến ma túy.
Từ năm 2011, Thanh Hóa triển khai chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Cơ sở điều trị Methadone của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 20 cơ sở điều trị/17 huyện, thị xã, thành phố và 6 điểm cấp phát thuốc ở các xã/phường, điều trị cho 4.643 bệnh nhân. Hiện có 3.073 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 2.203 bệnh nhân điều trị trên 6 tháng, 406 bệnh nhân nhiễm HIV, 366 người đã điều trị ARV.
|
Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone đã giúp giảm bớt các chi phí liên quan và phát sinh từ việc sử dụng ma túy cho cả người nghiện, gia đình và xã hội. Nhiều người sau khi điều trị khởi liều và thời gian dò liều đã duy trì tốt việc điều trị, có thể lao động và làm việc bình thường. Với những tác động tích cực, nhiều bệnh nhân đã có sự hợp tác trong quá trình điều trị, đến uống thuốc đúng giờ, đều đặn, giúp cho người nghiện dần từ bỏ ma túy, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong thời gian tới, để bảo đảm bền vững các kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, giảm thiểu số người lây nhiễm HIV do tiêm chích, Thanh Hóa sẽ tăng cường nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến, đặc biệt nâng cao năng lực hàng năm cho đội ngũ cán bộ làm công tác này; tăng cường công tác truyền thông giảm kỳ thị trong cộng đồng, trong xã hội; vận động người nghiện ma túy đi làm xét nghiệm và vận động người nhiễm HIV đi điều trị thuốc kháng virus ARV. Đồng thời, chú trọng các giải pháp như truyền thông thay đổi hành vi nguy cơ, giảm kỳ thị với người nhiễm, trao đổi bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy; tiếp thị bao cao su cho người có quan hệ tình dục với bạn tình có nguy cơ; tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện; triển khai điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone ở các cơ sở điều trị; điều trị ARV…