Cơ sở hành nghề y, dược tư nhân phát triển mạnh về số lượng và chất lượng
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên giải trình việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023. Đây là phiên giải trình thứ tư được Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức và là vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Với ý nghĩa quan trọng của phiên giải trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ địa phương, đơn vị và ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề, thực trạng, nguyên nhân. Từ đó, để Sở Y tế và các đơn vị có liên quan có những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế bất cập và nâng cao công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tại phiên giải trình, Quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nguyễn Bá Cẩn đã báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023. Theo đó, trong những năm gần đây, hệ thống các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 1.553 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân (trong đó có 20 bệnh viện, 64 phòng khám đa khoa, 1.381 phòng khám chuyên khoa và 88 cơ sở dịch vụ y tế). Các phòng khám chủ yếu tập trung tại các đô thị và huyện đồng bằng như: Thành phố Thanh Hóa có 427 cơ sở, Sầm Sơn 160 cơ sở, Nghi Sơn 101 cơ sở... Các huyện miền núi số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân rất ít (Mường Lát 3 cơ sở, Lang Chánh 7 cơ sở, Quan Sơn 10 cơ sở...). Các bệnh viện tư nhân hiện có 3.991 giường bệnh nội trú chiếm 25,2% tổng số giường bệnh toàn tỉnh, thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Công tác thanh tra, hậu kiểm sau khi cấp phép chưa thường xuyên
Báo cáo kết quả khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Tuấn Tưởng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được đã được Sở Y tế nêu trong báo cáo, qua khảo sát thì công tác quản lý Nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược tư nhân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong đó, công tác hậu kiểm sau khi cấp phép, công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế chưa thực hiện thường xuyên, số lượng còn ít; thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, UBND cấp huyện, xã trong công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược tư nhân. Còn nhiều cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động không phép, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động khi chưa được công bố đủ điều kiện tại các địa phương. Một số cơ sở hoạt động quá phạm vi chuyên môn; không tuân thủ thời gian hoạt động; người chịu trách nhiệm chuyên môn không có mặt trong thời gian cơ sở hoạt động;...
Tại phiên giải trình, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc vì sao số lượng các cơ sở y dược tư nhân hoạt động không phép năm sau cao hơn năm trước; vẫn còn tồn tại cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép, không có chứng chỉ hành nghề, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong hướng dẫn, kiểm tra hoạt động chuyên môn của các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn; tình trạng dược sĩ vắng mặt khi nhà thuốc đang hoạt động; giá bán thuốc chưa đúng với thông tin trên phần mềm quản lý thuốc; công tác phối hợp giữa Sở Y tế với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép; công tác quản lý của các ngành chức năng về xuất xứ nguồn gốc, giá thuốc, vật tư y tế và chất lượng thuốc đông y, thuốc tây y...
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế và UBND tỉnh đã tiếp thu và giải trình các ý kiến của đại biểu. Đồng thời, nêu một số giải pháp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khắc phục hạn chế, quyết tâm tạo chuyển biến cụ thể trong việc quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả và chặt chẽ hơn.
“Rõ người, rõ việc” trong quản lý hành nghề y, dược tư nhân
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đánh giá, phiên giải trình đã diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, thẳng thắn. Kết quả phiên giải trình đã cho thấy các vấn đề được Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn giải trình là “trúng và đúng”. Đây cũng là vấn đề được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy rất quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị, UBND tỉnh cần phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý hành nghề y, dược tư nhân; bảo đảm người dân tại các vùng miền trong tỉnh đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao. Cùng với đó, phối hợp giữa Sở Y tế với các lực lượng chức năng và các đơn vị có liên quan trong kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; giải quyết dứt điểm tình trạng các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động không phép...
Đối với Sở Y tế, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cần khẩn trương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân theo quy định của pháp luật. Thực hiện hậu kiểm tra đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đã được cấp phép. Đồng thời, phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã giải quyết dứt điểm trình trạng hoạt động y, dược không phép. Thực hiện việc cấp mới, cấp lại chứng chỉ hành nghề; giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo đúng quy định...