Thanh Hóa chuyển tải thông điệp là điểm đến an toàn, hấp dẫn

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 09:14 - Chia sẻ
Được ví như hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam, Thanh Hóa hội tụ đầy đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển với nguồn tài nguyên phong phú gồm tài nguyên đất, rừng và khoáng sản. Tận dụng tiềm năng này, tỉnh đang tích cực nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, tour, tuyến mới, tạo tiền đề để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế trụ cột vào năm 2030.

Đột phá du lịch biển 

Biển Thanh Hóa thuộc Vịnh Bắc Bộ, có nhiều tài nguyên hải sản, khoáng sản. Bờ biển Thanh Hóa dài 102km trải qua 6 huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia, với số dân chiếm gần 1/3 dân số toàn tỉnh. Ngoài biển, Thanh Hóa còn có các đảo nổi, đảo chìm như Hòn Nẹ, Hòn Mê và bán đảo Nghi Sơn. Hiện du lịch biển, đảo hiện đang chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch xứ Thanh.

Bãi biển Sầm Sơn, niềm tự hào của người dân Thanh Hóa - Nguồn: ITN

Tại sự kiện xúc tiến, quảng bá “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” diễn ra trong khuôn khổ VITM Hà Nội 2020, ngày 20.11, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến khẳng định, những năm gần đây, cùng với nhiều loại hình khác, du lịch biển Thanh Hóa ngày càng được các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách du lịch đánh giá cao bởi chất lượng và quy mô tổ chức.

“Với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường, du lịch biển Thanh Hóa đã và đang phát triển mạnh, thể hiện ở sự đầu tư quy mô đồng bộ từ các dự án hạ tầng tại khu du lịch Sầm Sơn, hạ tầng khu du lịch biển Hải Tiến, giao thông kết nối khu du lịch Hải Hòa đến việc thu hút các tổ hợp dự án đầu tư quy mô lớn tại các khu du lịch biển và việc thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch như các lễ hội du lịch biển, Canavan đường phố, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội tình yêu…. Bên cạnh đó, gần đây Thanh Hóa tích cực bổ sung các sản phẩm du lịch mới, như khai trương Tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ, hình thành các homestay, loại hình du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn… đánh dấu bước đột phá của du lịch biển Thanh Hóa”, bà Yến nhấn mạnh.

Để du lịch phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Thanh Hóa xác định du lịch biển, đảo sẽ trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, Thanh Hóa phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch mũi nhọn biển, đảo sẽ được hình thành rõ nét, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ hiện đại, chất lượng, hấp dẫn khách du lịch; đến năm 2030, sản phẩm du lịch mũi nhọn trở thành sản phẩm có vị trí quan trọng trong vùng Bắc Trung Bộ và cả khu vực Bắc Bộ, thúc đẩy tối ưu các sản phẩm du lịch khác thành những mũi nhọn mới.

Cùng với du lịch biển, nhiều sản phẩm du lịch bổ trợ cũng được các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, đưa vào công bố phục vụ khách du lịch. Đó là các sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa, tâm linh được chú trọng phát huy giá trị, cùng các lễ hội truyền thống, quy mô lớn đã và đang phát huy thế mạnh, góp phần tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Thanh Hóa, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh của ngành.

Hấp dẫn điểm đến 4 mùa

Không thể phủ nhận, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều lợi thế và tiềm năng về du lịch biển, tuy nhiên đây cũng là địa phương sở hữu nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử có tính liên vùng, giải pháp để tỉnh hút khách mùa du lịch thấp điểm. Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định cho biết, không chỉ Thanh Hóa, nhiều địa phương đã xây dựng các tuyến du lịch văn hóa, lịch sử bởi tiềm năng của loại hình này là quanh năm.

Theo bà Lan, Bình Định và Thanh Hóa có rất nhiều điểm chung với bờ biển đẹp và kinh đô Việt cổ. Những năm về trước, hai tỉnh đã kết hợp cùng Hà Nội, Ninh Bình và Huế xây dựng tour “Hành trình qua những kinh đô Việt cổ”. “Đây là hành trình kết nối những địa danh văn hóa, lịch sử đặc thù không phải địa phương nào cũng có. Nhưng làm sao để xây dựng được sản phẩm đặc sắc hơn đòi hỏi sự tích cực của các doanh nghiệp lữ hành. Theo tôi, các doanh nghiệp có thể làm các landtour (chương trình tour trọn gói) quảng bá điểm đến bằng những câu chuyện hấp dẫn, các ứng dụng kỹ thuật số về Thành nhà Hồ, Di tích Văn hóa Hàm Rồng… để kéo khách”.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Thanh Hóa và doanh nghiệp các tỉnh, tại VITM Hà Nội 2020, ngày 20.11

Giám đốc Công ty Du lịch và sự kiện Tam Sinh, Ninh Bình, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Phạm Hồng Biên nêu ý kiến, nhằm thu hút nhiều hơn lượng khách nội địa, gần đây các doanh nghiệp đã triển khai chương trình về miền di sản Ninh Bình - Thanh Hóa, bước đầu đã có kết quả. Thời gian tới, các doanh nghiệp mong muốn thắt chặt liên kết vùng giữa Ninh Bình, Thanh Hóa và các tỉnh Bắc Bộ với các tour rõ ràng hơn, sao cho du khách cảm nhận rõ nét những khác biệt về di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của những địa danh này. Đặc biệt, nếu đẩy mạnh khâu tổ chức, quảng bá sẽ giải quyết được vấn đề mùa vụ, trở thành sản phẩm hấp dẫn cả 4 mùa.

Để du lịch Thanh Hóa được nâng tầm trong tương lai, theo bà Phan Hồng Châu, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Hy vọng, cần phải nghiêm túc trong việc xây dựng lộ trình điểm đến an toàn, hấp dẫn, và đây là lộ trình lâu dài không chỉ cho riêng Thanh Hóa mà cho các tỉnh, thành trên cả nước. “Thanh Hóa có nhiều điểm đến ấn tượng, ẩm thực ngon, môi trường an toàn, con người thân thiện, tuy nhiên chất lượng và uy tín của những người làm du lịch phải được chú trọng hơn để điểm đến không chỉ là địa danh thuần túy mà còn là một địa chỉ văn hóa. Khi chúng ta được thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên dồi dào thì việc xây dựng giá trị cho nó cần có sự chung tay của cả cộng đồng, mới có thể thu hút nhiều hơn du khách trong nước, sắp tới là khách quốc tế khi dịch Covid-19 được khống chế”.

Tổng cục Du lịch mong muốn Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức, chung tay với ngành Du lịch để duy trì, phục hồi và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại bởi dịch Covid-19. Tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp như: Truyền tải mạnh mẽ thông điệp về điểm đến an toàn, hấp dẫn nhằm mang lại niềm tin cho nhân dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp, bảo đảm cho du khách môi trường du lịch an toàn, an ninh, vệ sinh. Tập trung phát triển làm mới các sản phẩm dịch vụ phù hợp với các thị trường và xu hướng du lịch mới. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ sạch để phát triển sản phẩm, dịch vụ, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách du lịch”.

(Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc)

 

 

Hương Sen