Thanh Hóa: thu hút đầu tư cho các dự án nước sạch nông thôn

- Thứ Năm, 07/11/2019, 11:05 - Chia sẻ
Đã 10 năm sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 131/2009/QĐ-TTg về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, dù đã đạt được nhiều kết quả tốt trong việc cải thiện, nâng cao điều kiện sinh hoạt cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa ban hành cơ chế chính sách nước sạch nông thôn của tỉnh mà vẫn áp dụng cơ chế chính sách theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Doanh nghiệp chưa "mặn mà" đầu tư

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh và các Sở, ngành có liên quan, nhiều chương trình, dự án về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nhận thức của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về tầm quan trọng của nước sạch ngày càng được cải thiện, nhu cầu được sử dụng nước sach của nhiều vùng nông thôn ngày càng trở nên cấp thiết.


Toàn cảnh Hội thảo huy động nguồn lực địa phương tăng cường tiếp cận nước sạch, nước uống học đường cho học sinh của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh Xuân Tùng 

Đến hết năm 2018, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh đã đạt 94,4% (11 huyện miền núi tỷ lệ 90,9%, 13 huyện đồng bằng tỷ lệ 95,9%), tăng 26,5% so với năm 2010; tỷ lệ nước sạch đạt QCVN 02 đạt 50,3% tăng thêm 20% so với năm 2010. Tỷ lệ người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2018 đã đạt 84,1%.

Tuy nhiên, kết quả về tỷ lệ nước sạch đạt được nêu trên chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước sạch đạt đến 50,3% đến hết năm 2018 nhưng trong đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch của các công trình tập trung chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại là từ hệ thống các máy lọc nước RO quy mô hộ gia đình, chất lượng nước sạch của những máy lọc RO này phụ thuộc vào chất lượng bảo dưỡng thiết bị, lượng nước chỉ đủ sử dụng cho nhu cầu ăn, uống, các sinh hoạt khác vẫn sử dụng nguồn nước từ giếng khoan, giếng đào.

Do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, việc khai thác nước ngầm quá mức, tình trạng đô thị hóa, chất thải của hoạt động sản xuất công – nông nghiệp, nước thải sinh hoạt, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, suy giảm cả về lưu lượng lẫn chất lượng, ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Kết quả điều tra Asen trong nước dưới đất, các mẫu nước giếng khoan và giếng đào tại 70/225 xã điều tra ở 13/14 huyện nông thôn đồng bằng và ven biển có hàm lượng Asen vượt quá 0,01 mg/lít, trong đó 49 xã có nguồn nước dưới đất bị nhiễm Asen vượt quá 0,05 mg/lít.

Một số địa phương miền núi như Mường Lát, Quan Sơn… do địa hình đặc thù, phức tạp, dân cư thưa thớt nên nguồn nước chủ yếu sử dụng trong sinh hoạt vẫn là nước khe, nước suối, hầu như chưa có các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.


Hành trình Đại Sứ nước được tổ chức trên địa bàn tỉnh  

Cần cơ chế, chính sách đầu tư riêng cho nước sạch nông thôn

Đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn áp dụng Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn do Chính phủ ban hành, chưa có cơ chế, chính sách riêng để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp cho các dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những huyện, xã miền núi, kinh tế khó khăn.

Mặc dù, đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhưng do chi phí đầu tư cho nhà máy cấp nước là rất lớn, trong khi thu hồi được nguồn vốn để có lãi, duy trì công trình hoạt đồng bền vững phải mất rất nhiều năm, dẫn tới các doanh nghiệp không “mặn mà” với các huyện miền núi khó khăn về kinh tế. Ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư cho nước sạch rất hạn chế nên số công trình cấp nước tập trung được đầu tư rất ít, chủ yếu là các công trình được đầu tư từ vốn hỗ trợ nước ngoài.

Công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung quy mô cấp xã, liên xã cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Để tổ chức bộ máy quản lý công trình cấp nước thường có đội ngũ quản lý, vận hành được đào tạo bài bản và có chuyên môn tốt để phát huy tối đa hiệu quả công trình. Tuy nhiên, các công trình cấp nước tự chảy tại miền núi (chủ yếu là quy mô thôn/bản) giao cho UBND xã quản lý và được UBND xã giao cho tổ quản lý vận hành (thường là trưởng hoặc phó thôn/bản), chỉ được tập huấn quản lý vận hành và làm việc kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao. Nhiều công trình nhanh chóng xuống cấp nhưng không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng dẫn đến hư hỏng.


Hệ thống cấp nước sạch trường mầm non Hà Lâm

Để tạo điều kiện cho người dân được sử dụng nước sạch, UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách nước sạch nông thôn của tỉnh; phê duyệt quy hoạch, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về nước sạch để những đơn vị được giao triển khai thực hiện có mục tiêu chung thực hiện Chương trình về nước sạch của tỉnh.

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan được UBND tỉnh giao quản lý nhà nước về lĩnh vực nước sạch nông thôn cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách để kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư cho cấp nước nông thôn. Sở Nông nghiệp và PTNN cần phối hợp với các Sở, ngành có liên quan báo cáo UBND tỉnh bố trí để đầu tư cho các công trình cấp nước khu vực miền núi.  Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về việc giao quản lý các công trình cấp nước tập trung nông thôn theo quy định của Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 4.5.2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Cùng với đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã cùng tham gia thực hiện Chương trình, không trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách. Chỉ tiêu nước sạch phải đưa vào Nghị quyết Đại hội để thực hiện; tiêu chí 17.1 – Nước sạch, nước hợp vệ sinh trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phải thực hiện một cách bền vững. Quan trọng nhất là công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch, giúp người dân thay đổi tập quán, thói quen sử dụng nước.

Xuân Tùng