Thành công không thuộc về người thông minh nhất: Bài học từ các CEO hàng đầu
Không phải trí tuệ vượt trội hay làm việc cật lực, mà chính sự kết hợp giữa thái độ, tham vọng và… sự lười biếng một cách khôn ngoan mới là bí quyết thành công của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Bài học tưởng chừng nghịch lý này lại đang trở thành thông điệp được nhiều chuyên gia giáo dục và nghề nghiệp khuyến nghị giới trẻ ngày nay nên suy ngẫm.
Thành công không chỉ đến từ chỉ số IQ
Trong một thế giới đầy cạnh tranh, nhiều người trẻ mặc định rằng chỉ những ai sở hữu chỉ số IQ cao, thành tích học tập xuất sắc hoặc làm việc chăm chỉ không ngừng mới có thể đạt đến đỉnh cao sự nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Bill Hoogterp – huấn luyện viên nghề nghiệp của các giám đốc điều hành trong nhóm Fortune 500 – điều đó chưa chắc đã đúng.

“Phần lớn những người thành công, bao gồm cả các chính trị gia nổi tiếng, không nhất thiết là học sinh giỏi nhất hay người thông minh nhất”, ông Hoogterp chia sẻ trên tạp chí Fortune.
“Điều mà các CEO sở hữu – và gần như không ai khác có – là tham vọng vượt trội và sự lười biếng. “Lười” ở đây không có nghĩa là ngồi chơi xơi nước hay trốn việc để nghỉ ngơi. Họ luôn nghĩ: “Làm sao để tôi làm việc này nhanh hơn, dễ hơn, tốt hơn – và vẫn còn thời gian, năng lượng cho những việc khác. Tôi cho rằng có một sự kết hợp đối lập nhưng thú vị giữa các đặc điểm này để tạo nên một công thức thành công: tham vọng và nỗ lực tìm kiếm con đường ngắn hơn, thông minh hơn để đạt được mục tiêu sẽ dẫn đến vô số các bước đột phá”.
Đây là phong cách làm việc ngày càng phổ biến trong giới lãnh đạo cấp cao, khi mà hiệu suất và khả năng thích ứng đang trở thành những chỉ số then chốt trong môi trường lao động hiện đại.
Những “lối tắt” tạo nên hiệu quả
Không ít nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn là minh chứng sống động cho cách làm việc này. Mark Zuckerberg – người sáng lập Meta – từng gây chú ý với phương châm “Di chuyển nhanh và phá vỡ giới hạn” khi đưa Facebook trở thành mạng xã hội trị giá hàng nghìn tỷ đô. Tinh thần “ưu tiên tốc độ hơn sự hoàn hảo” của ông là ví dụ điển hình cho tư duy dám nghĩ, dám làm và dám cắt giảm những quy trình rườm rà.

Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, cũng từng đưa ra lời khuyên cốt lõi cho cấp dưới: hãy ủy quyền nhiều hơn và tránh đưa mọi quyết định lên cấp CEO. “Càng ít quyết định cần đến tôi, tổ chức sẽ vận hành càng nhanh”, ông nói.
Với Jensen Huang – CEO của Nvidia – việc không tổ chức các buổi gặp riêng với hơn 60 nhân viên cấp cao là một lựa chọn chiến lược nhằm tiết kiệm thời gian và thúc đẩy dòng chảy thông tin minh bạch trong toàn công ty.
Tương tự, tỷ phú Elon Musk, lãnh đạo của Tesla và SpaceX, áp dụng triệt để các quy tắc tiết kiệm thời gian: cấm các cuộc họp lớn không cần thiết, không dùng cấp bậc phức tạp. “Hãy rời khỏi cuộc họp hoặc tắt máy ngay khi bạn thấy mình không còn giá trị gì ở đó. Không phải rời đi là bất lịch sự – giữ ai đó lại để lãng phí thời gian của họ mới là bất lịch sự”, CEO Tesla khẳng định.
Tất cả các tư duy và hành động của các CEO này đều cho thấy: làm việc hiệu quả không đồng nghĩa với làm việc nhiều.
Thái độ quan trọng hơn kiến thức
Điều đáng chú ý là tư duy “không cần thông minh nhất để thành công” cũng đang được các doanh nghiệp áp dụng trong quy trình tuyển dụng – nơi mà kỹ năng mềm và thái độ tích cực đang dần vượt lên trên bằng cấp hay kinh nghiệm.

Amazon, Meta, Microsoft và khoảng 80% công ty trong danh sách Fortune 500 hiện đều sử dụng các bài đánh giá tính cách khi tuyển dụng. Theo đó, tinh thần cầu tiến, thái độ tích cực và khả năng thích nghi được đánh giá cao hơn năng lực kỹ thuật đơn thuần.
Andy Jassy, CEO hiện tại của Amazon từng nhấn mạnh rằng, ở giai đoạn đầu sự nghiệp, điều quyết định không phải là bạn giỏi đến đâu, mà là bạn sẵn sàng học hỏi và hợp tác đến mức nào. Cùng quan điểm, Sarah Walker, Giám đốc điều hành của Cisco tại Anh cho biết, tiêu chí đầu tiên khi tuyển dụng là ứng viên phải có “năng lượng tích cực và thái độ chủ động”, bởi những điều đó không thể đào tạo.
CEO của Duolingo, nền tảng học ngôn ngữ hàng đầu thế giới, thậm chí còn thẳng thắn: “Thà để một vị trí trống còn hơn tuyển một người độc hại”.
Bài học cho thế hệ trẻ
Trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, bài học từ những nhà lãnh đạo thành công là lời nhắc nhở quan trọng dành cho giới trẻ: Đừng chỉ chăm chăm đạt điểm cao hay làm việc tới kiệt sức. Thay vào đó, hãy học cách tư duy linh hoạt, biết ưu tiên, tìm ra cách làm hiệu quả hơn, nhanh hơn và thông minh hơn.

Tư duy lười biếng một cách tích cực – biết cắt bỏ việc thừa, tập trung vào việc chính – đang dần trở thành kỹ năng cần thiết để tồn tại và vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày nay.
Trường học và các tổ chức giáo dục, vì thế, cũng cần điều chỉnh mục tiêu đào tạo: thay vì chỉ tập trung vào kiến thức và điểm số, cần chú trọng nhiều hơn vào rèn luyện tư duy phản biện, khả năng thích nghi và thái độ chủ động – những yếu tố then chốt quyết định thành công trong thế kỷ 21.