“Thắng giặc năm xưa, thắng đói nghèo hôm nay”

- Chủ Nhật, 28/07/2019, 08:51 - Chia sẻ
Đó là điểm chung của tất cả các cựu chiến binh trở về sau chiến tranh. Với họ, dù còn nguyên vẹn hay chỉ còn vài phần trăm sức khỏe nhưng đã may mắn trở về thì nhất định phải lao động để chiến thắng đói nghèo, kiến thiết quê hương. Trong công cuộc xây dựng ấy, có sự đồng hành của chính sách tín dụng ưu đãi.

Buông súng là “cầm cuốc”!

Tính đến hết tháng 6.2019, tổng dư nợ vốn vay của NHCSXH ủy thác qua Hội CCB đạt 32.356 tỷ đồng, chiếm 16,37% tổng dư nợ của NHCSXH, tăng gần 2.013 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Hiện nay, Hội CCB đang quản lý 31.158 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1 triệu hộ vay, 99,94% số tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 1.476 tỷ đồng, tăng 99,4 tỷ đồng so với năm 2018.

Với suy nghĩ “Thắng giặc năm xưa, thắng đói nghèo hôm nay”, hơn 10 năm nay, Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Lý, thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, TP Hà Giang luôn kiên trì, tìm tòi học hỏi nhiều nơi để gây dựng được mô hình phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng; cho thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong những ngày đầu khởi nghiệp còn khó khăn, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình đã đầu tư và mở rộng sản xuất.

Không chỉ phấn đấu làm giàu cho gia đình, CCB Nguyễn Văn Lý còn hướng dẫn giúp bà con trong thôn cùng thoát nghèo. Giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước về làm kinh tế và sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Tuyên truyền bà con cách chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Cũng như CCB Nguyễn Văn Lý, với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” quyết tâm “không cam chịu đói nghèo”, CCB Ksor Kia, thương binh 1/4 ở tổ dân phố 7, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum cũng đã trở thành tấm gương điển hình trong việc sử dụng hiệu quả tín dụng chính sách để vươn lên làm giàu.

Trở về địa phương sau những năm tháng tham gia quân ngũ, cuộc sống của gia đình hết sức khó khăn, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Với bản chất của người lính không cam chịu trước đói nghèo, năm 2016, ông đã vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo từ NHCSXH để phát triển chăn nuôi. Nhờ cần cù chịu khó khai khẩn, cải tạo đất đồi để trồng cà phê, tiêu, chăn nuôi thêm lợn, gà. Đến nay, gia đình đã có 2ha cà phê, 1ha tiêu và hàng trăm con lợn, gà.

Hay thương binh hạng 2/4 A Ù ở thôn Ling La, xã Đăk Pxy, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cũng vậy. Năm 2012, thông qua Hội CCB huyện, thương binh A Ù được vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn của NHCSXH để cải tạo và trồng 1ha cà phê. Cùng với việc tái canh diện tích cà phê già cỗi, gia đình thương binh A Ù đã trồng xen canh sầu riêng, bơ, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 2016, gia đình trả hết nợ và vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để trồng thêm 2ha cây cà phê. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập 40 triệu đồng/năm.

Theo Chủ tịch Hội CCB tỉnh Kon Tum Võ Thanh Chín, để giúp các hội viên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, Hội CCB tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, học tập các mô hình phát triển kinh tế. Tính đến 30.6, toàn tỉnh đã có trên 1.460 hội viên Hội CCB thoát nghèo, giảm 80% so với năm 2015. Ông Chín cho biết, không chỉ có mô hình CCB Nguyễn Văn Lý hay của thương binh Ksor Kia, A Ù thành công từ sự hỗ trợ của vốn vay ưu đãi, mà hiện nay đã có hàng trăm mô hình như thế đã tạo ra nhiều hiệu quả tích cực, có ý nghĩa nhân rộng cao.


Mô hình CCB Lê Viết Hưng ở thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh được hình thành từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH 
Ảnh: T.Giáp

Gắn kết và tạo niềm tin của Cựu chiến binh vào hội

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam Nguyễn Văn Đạo, hoạt động ủy thác cho vay được xác định là việc quan trọng của Hội, giúp CCB có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Những năm qua, Hội CCB Việt Nam vẫn luôn trăn trở tìm các giải pháp để làm sao thực hiện tốt nhất các hoạt động cho vay ủy thác. Từ những hoạt động thiết thực và ý nghĩa này, giúp hội viên thấy vị trí, vai trò của tổ chức Hội, tin cậy Hội, tìm đến Hội, để phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng kinh tế địa phương.

Đơn cử, thời gian qua, nguồn vốn vay từ NHCSXH và các nguồn huy động khác đã giải quyết việc làm cho 68.650 hội viên CCB. Trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn giúp 12 nghìn hộ CCB thoát nghèo, xóa được gần 3 nghìn căn nhà dột nát, tạm bợ… Bên cạnh đó, Hội CCB còn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và các hội, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong việc tăng cường phối hợp với NHCSXH, cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội CCB cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp hội tiếp tục nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách, về tác hại của “tín dụng đen”…

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đạo cho hay, để giúp các CCB có cơ hội vươn lên, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và các hội, đoàn thể tập trung chỉ đạo, tìm các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch tại xã, phường; tích cực tuyên truyền và thông tin công khai các chủ trương chính sách liên quan đến tín dụng chính sách và tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng.

Bình Nhi