Tháng 5 đọc lại sách "Sửa đổi lề lối làm việc" của Bác Hồ
Tháng 5 về, nhớ Bác Hồ, nôn nao với những lời dạy của Bác trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Bác viết tháng 10.1947, trong những năm kháng chiến chống Pháp, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác đã trở thành tập sách gối đầu giường đối với đông đảo cán bộ, đảng viên và là tài liệu học tập chủ yếu của các lớp huấn luyện chính trị, các lớp chỉnh huấn, trong Đảng cũng như các đoàn thể quần chúng. Cuốn sách đã góp phần to lớn nâng cao sức mạnh chiến đấu của Đảng, tạo nên nguồn sinh lực mới cho cuộc kháng chiến chống Pháp chóng đi đến thắng lợi hoàn toàn.
3 thứ bệnh chủ yếu cần phải chữa
Ngay trong chương đầu tiên, với đề mục: “Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”, Bác viết: “Đảng ta hy sinh chiến đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, giành lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang.
![]() Bác Hồ với cán bộ. (Ảnh tư liệu) |
Nhưng nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa… Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm thì phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải làm như thế Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, Sđd, t.5, tr.272-273).
Bác nêu ra ba thứ bệnh chủ yếu cần phải chữa là: “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi” và gọi mỗi chứng bệnh là kẻ “địch bên trong”. Bác viết: “Mỗi kẻ địch bên trong là đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ bên trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.278)
Bác phân tích sâu sắc tác hại của bệnh hẹp hòi: “Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì. Tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng. Họ quên rằng, so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiếu, hàng trăm người dân mới có một đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp thì Đảng không làm được việc gì hết”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.278)
“Vì vậy ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được xa rời dân chúng, rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc nhất định thất bại”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.278)
Bác nói tiếp: “Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên không làm nổi… Từ nay mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết sửa chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hiện chính sách Đại đoàn kết”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.278)
Kết thúc phần này, Bác viết:
“Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm tra, tự phê bình, tự sửa chữa, như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.279)
Khi nói đến vấn đề dân chủ trong Đảng, Bác viết:
“Nếu ai nói chúng ta không có dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ thì thật có như thế. Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.283)
Hơn 10 năm sau, năm 1957, trong bài nói chuyện nhân dịp về thăm khu mỏ, Bác nhấn mạnh thêm:
“Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.11, tr.113)
Bây giờ ta hãy nghe Bác phân tích tiếp:
“Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến. Nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét có khi lại bị “trù” là khác”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.283)
“Kinh nghiệm là: Cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm, thì thào” cũng hết”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.284)
Vấn đề Tư cách và đạo đức cách mạng được Bác xếp thành mục riêng và là một trong 6 phần chính của tập sách. Trước tiên, Bác khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.289)
Về mặt tổ chức Bác nhấn mạnh:
“Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.290)
Bác khẳng định:
“Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo. Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi. Ngoài ra còn có hai hạng người cũng phải lưu ý. Một là có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ…Hai là hạng người nói suông. Hạng người này tuy là thật thà, trung thành nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.326)
Năm 1953, Bác nhắc lại:
“Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.280)
Về đạo đức cách mạng, Bác viết:
“Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.292)
“Nhất là những cán bộ và lãnh tụ càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng nói theo” (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.293)
Về điểm này, Bác nhấn mạnh thêm:
“Đạo đức cách mạng không phải trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.11, tr.612)
Bác phê phán mạnh mẽ bệnh “kéo bè kéo cánh” và cho đó là “một bệnh rất nguy hiểm”, thường gặp ở lãnh đạo các cấp:
“Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là người tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì dù người tốt cũng cho là người xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.297)
Bác nghiêm khắc chỉ rõ:
“Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.297)
Suốt cuộc đời mình Bác luôn luôn quan tâm đến công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác dành hẳn một chương, chương 4, để nói về “Vấn đề cán bộ”. Bác phân tích nhiều về cách dùng cán bộ:
“Lúc dùng cán bộ, nhiều người phạm vào những chứng bệnh sau đây:
1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.
2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.
3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”.
Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông, tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.319)
Về việc cất nhắc cán bộ, Bác viết:
“Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ, xem xét việc làm của họ. Chẳng những xem xét cách viết cách nói của họ mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta như thế nào mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem xét công việc trong một lúc, mà phải xem xét cả công việc của họ từ trước đến nay”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.321)
Đối với những cán bộ sai lầm, Bác viết:
“Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không xử phạt là không đúng”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.323-324)
Đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín - Lời cảnh tỉnh thiết thực và tiếp nối tư tưởng của Bác Hồ
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong mấy mươi năm qua đã giành được những thắng lợi hết sức to lớn. Nhưng như Bác nói cách đây hơn 70 năm: “Nếu mỗi cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”. Chính vì cán bộ, đảng viên ta làm việc “chưa thật đúng, chưa thật khéo” nên năm qua, bên cạnh những thành tựu cũng còn tồn tại những khuyết điểm, thiếu sót, làm hạn chế đến thắng lợi, trong đó nổi lên là những thiếu sót trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từ đó sinh ra bệnh chủ quan, hẹp hòi, quan liêu, tham ô lãng phí rồi sa vào hư hỏng.
Năm 1993, chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương 3, khóa 7 về “Đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Năm 1999, Hội nghị Trung ương 6 (Khóa 8) đã ra Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác Hồ. Gần đây, chúng ta có Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết về Nêu gương trong những người lãnh đạo cao cấp. Tuy vậy, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách của một số không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ các trọng trách của Đảng cũng như phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới và sự trông đợi thiết tha của nhân dân. Vấn đề quan trọng hàng đầu, có tính chất quyết định là chúng ta phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”.
Trong một bài viết ở tháng 5 này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã có những lời gợi ý mang tính cảnh tỉnh rất thiết thực đối với công việc xây dựng, củng cố, phát triển Đảng ta, được đông đảo quần chúng quan tâm về công tác lựa chọn cán bộ cho Ban Chấp hành Trung ương sắp tới: Đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín; Đừng thấy mã bên ngoài mà sơ sài bên trong, không chọn những người giàu lên nhanh, nhiều nhà, nhiều đất mà không có nguồn gốc rõ ràng. Có lẽ đây là sự tiếp nối tư tưởng của Bác Hồ trong bối cảnh mới Về công tác tổ chức cán bộ của Đảng.
Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi.