Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em:

Thận trọng, an toàn, khoa học

- Thứ Bảy, 16/10/2021, 06:09 - Chia sẻ
Không ít chuyên gia cho rằng, việc mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo Văn bản số 8688/BYT-DP của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, sẽ giúp tăng diện bao phủ và bảo đảm hiệu quả sử dụng tối đa vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em cần thận trọng, bảo đảm an toàn và khoa học.
	Nhiều địa phương chủ động rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm vaccine là trẻ em Nguồn: ITN
Nhiều địa phương chủ động rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm vaccine là trẻ em
Nguồn: ITN

Chủ động về nguồn lực và tổ chức

Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu trẻ em từ 12 - 17 tuổi, với số lượng vaccine cần để tiêm 2 mũi tương đương 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV.2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này. Đối với trẻ em từ 3 - 11 tuổi (khoảng trên 14 triệu trẻ em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vaccine phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi bảo đảm điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này. 

Đại diện Bộ Y tế cho biết, mặc dù số lượng và thời gian tiếp nhận vaccine phụ thuộc nhà cung cấp, nhưng ngành y tế đang chủ động chuẩn bị cả nhân lực và tổ chức để triển khai tiêm khi vaccine về đến Việt Nam. Trong đó có lô vaccine mua (theo thỏa thuận) là dành tiêm chủng cho trẻ em. Cụ thể, tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã đạt thỏa thuận với Hãng dược Pfizer về việc mua trên 20 triệu liều vaccine tiêm cho nhóm vị thành niên 12 - 17 tuổi, cơ quan chức năng đã trích hơn 2.000 tỷ đồng từ quỹ vaccine để mua lô vaccine và đến nay, các hồ sơ liên quan đến hợp đồng này đã hoàn tất. 

Cùng với việc chủ động về nguồn lực, một trong những nội dung quan trọng trong Văn bản số 8688/BYT-DP là các địa phương cần xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10.2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Trên thực tế, trước khi có văn bản này của Bộ Y tế, nhiều địa phương đã chủ động rà soát, lập danh sách đối tượng tiêm vaccine là trẻ em. Theo Đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và có nguồn vaccine phù hợp thì thành phố sẽ triển khai tiêm với thời gian dự kiến chưa đến 1 tuần.

Trước đó, một số quận, huyện, thành phố tại TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành rà soát, lập danh sách trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Đơn cử như quận Gò Vấp, hiện có khoảng 38.000 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, ngoài ra còn có một số ít trẻ học tại các trường quốc tế thuộc các quận, huyện khác. Việc lập danh sách này giúp quận chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu tiêm vaccine và tiến hành tiêm ngay khi được cung cấp vaccine. 

Theo dõi, sàng lọc kỹ khi tiêm

Bộ Y tế cho biết, việc tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em thực hiện theo quy định tại mục 3 của "Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19" ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26.7.2021 của Bộ Y tế. Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này). Các điểm tiêm chủng thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vaccine sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 

Theo Trưởng văn phòng Tiêm chủng phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Phạm Quang Thái, khi tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, nhân viên y tế sẽ theo dõi giống như tiêm các vaccine phòng bệnh khác (sởi, viêm não, cúm mùa…) với các nguy cơ dị ứng, phản ứng nặng; các tình huống phản ứng cần được đến ngay cơ sở y tế. Tuy nhiên, trẻ em cần được theo dõi sau tiêm cẩn trọng hơn, bởi trẻ em thường hiếu động, không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn. Nếu có những hành động quá sức, sức khỏe có thể bị ảnh hưởng nhiều.

Nhiều chuyên gia cho rằng, song song với việc tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường), trẻ em có vấn đề bệnh lý nặng nề cần tiêm chủng ở bệnh viện. Trong quá trình triển khai, phải tiếp tục xem xét về tính an toàn của vaccine khi tiêm cho trẻ. Bên cạnh đó, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur cần nhanh chóng xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn và hướng dẫn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi cho các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công phụ trách; chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng. 

Dương Cầm