Thận trọng

Quang Khải 05/07/2011 07:23

Tuần này Khu vực sử dụng đồng euro và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ xem xét chi tiết kế hoạch liên quan tới gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp. Đành rằng Athens đã đáp ứng các điều kiện để có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính, song không phải mọi khoản cứu trợ đều phát huy hiệu quả. Thực tế và nhiều bài học quá khứ cho thấy sự thận trọng trong giải quyết các vấn đề kinh tế là hết sức cần thiết.

Chính phủ Hy Lạp vừa thông qua một loạt những biện pháp khắc khổ được thiết kế nhằm cứu nước này khỏi nguy cơ phá sản. Người Hy Lạp giờ đây sẽ phải trả thuế thu nhập và thuế tiêu dùng cao hơn, trong khi nhà nước sẽ xử lý nghiêm túc nạn trốn thuế. Trong khu vực công, nhà nước sẽ giảm lương 15%, cắt giảm 150.000 việc làm và tăng độ tuổi về hưu từ 58 lên 65. Nhà nước cũng sẽ tư nhân hóa một phần của nhiều doanh nghiệp do chính phủ điều hành như các cơ quan dịch vụ công cộng, bưu điện, công ty dầu mỏ và ngân hàng.

Đổi lại, Hy Lạp sẽ nhận được đợt giải ngân mới trong gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU). Những nước láng giềng và cộng đồng tài chính quốc tế nói chung tạm thở phào vì biết rằng đã tránh được một cuộc khủng hoảng nữa, ít nhất là trước mắt. Nhưng trên đường phố Athens, công chúng tỏ ra ít thông cảm với các biện pháp khắc khổ mới. Khi các nghị sĩ đang thảo luận về các biện pháp khắc khổ, những người nổi loạn đã đốt xe và phá cửa kính các cửa hàng. Các hãng hàng không ngừng hoạt động và mất điện trên diện rộng khi công nhân ngành điện lực và giao thông tham gia một cuộc tổng bãi công.

Một người biểu tình nói rằng họ phản đối vì một xã hội tốt hơn cho con cháu họ. “Xã hội tốt hơn” mà các công dân Hy Lạp chấp nhận không phải bình thường, mà là những cái mà họ đã được hưởng. Tại Hy Lạp, 1/7 lực lượng lao động làm việc cho nhà nước. Các công chức mỗi năm được nhận tới 14 tháng lương và được thưởng từ mọi thứ, từ việc sử dụng máy vi tính, đến đi làm đúng giờ. Chính phủ Hy Lạp hiện sở hữu 74 công ty, mà nhiều công ty có quá nhiều nhân viên và làm ăn không có lãi. Trong khi đó, các nghĩa vụ hưu trí ngốn tới 66% ngân sách xã hội của nước này.

Thảm kịch này của Hy Lạp là bài học cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Khi chính phủ chăm sóc các công dân của họ từ lúc mới ra đời cho đến khi xuống mồ, các cá nhân sẽ mất ý chí và khả năng tự lo cho mình. Nhà nước có thể phải chịu trách nhiệm cho mọi người, nhưng sẽ không có ai chịu trách nhiệm với nhà nước. Cũng phải nhìn nhận một số nét tương đồng giữa cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp và cuộc khủng hoảng của Argentina những năm 2001-2002. Cũng có sự trợ giúp của IMF, song Tổng thống khi đó Fernando de la Rua vẫn buộc phải từ chức. Thay thế Fernando de la Rua là Adolfo Rodriguez Saa với nhiệm kỳ Tổng thống chỉ kéo dài trong 1 tuần, để lại khoản nợ lên đến 102 tỷ USD. Sự sụp đổ của đồng peso, việc phá nợ và những bất ổn xã hội và chính trị sau này làm rung chuyển Argentina trong những năm 2001-2002 được xem như là các cảnh báo nghiêm trọng với các chính trị gia ở Athens.

Càng phải cân nhắc khi mới đây, của các chuyên gia kinh tế tại hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh thời điểm hiện nay không thích hợp để thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ, trong đó có biện pháp cắt giảm mạnh hệ thống an sinh xã hội. Nhấn mạnh các bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây, các chuyên gia khẳng định đối với người nghèo, cuộc khủng hoảng này chưa chấm dứt. Các chính sách kinh tế khắc khổ đang đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế mong manh của các nền kinh tế thế giới, đặc biệt giảm các chương trình y tế và xã hội vốn có tác động sống còn đối với người nghèo, đồng thời mở rộng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Các chính sách này có nguy cơ đưa nền kinh tế thế giới trở lại suy thoái, đẩy giá lương thực và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ các nước cũng cần tính tới những chính sách khác ngoài biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và tăng cường phối hợp phản ứng chính sách. Khoảng 11,4 nghìn tỷ USD đã được chi để cứu các ngân hàng trên thế giới nhưng hệ thống tài chính toàn cầu vẫn không được cải tổ thích hợp và đồng bộ, nên những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, làm mất cân bằng kinh tế vĩ mô trên toàn cầu và những vấn đề trong quy chế toàn cầu vẫn tồn tại dai dẳng mà không được giải quyết. Rõ ràng, thế giới đang cần một cơ chế mới để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tài chính và thương mại, các sáng kiến khu vực và toàn cầu để cải tổ tài chính và tiền tệ nhằm phát triển bền vững. Thế giới cũng cần một hệ thống quốc tế thực sự tính đến nhu cầu của các nước đang phát triển. Nói cách khác, kinh tế thế giới đang cần một sự cân nhắc thận trọng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thận trọng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO