Ngày 4.1, UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị này đã thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư cùng nhóm công nhân tiến hành di chuyển cổng đền hơn 200 tuổi nằm ngay dự án đường vành đai thị xã qua phường Đức Thuận rời khỏi vị trí đang thi công tuyến đường vành đai của địa phương này.
Bước đầu, theo ghi nhận có khoảng 6 công nhân, cán bộ kỹ thuật cùng nhiều máy móc có mặt thực hiện việc di dời cổng đền. Cổng đền cổ sẽ được di dời cách vị trí 63 m. Ngành chức năng địa phương cũng đã làm móng nền ở vị trí mới, làm đường ray và cáp tời để di chuyển cổng đền. Hàng chục người dân cũng có mặt quan sát việc di dời của đơn vị thực hiện.
Cổng đền nặng khoảng 100 tấn, đã cũ, kết cấu yếu nên rất phức tạp khi di dời. Cổng đền được di chuyển dưới sự điều hành của “thần đèn” Nguyễn Văn Cư. Theo ông Cư, trước khi thực hiện, ông đã ra hiện trường khảo sát 3 lần. Sau đó, đơn vị đã chuẩn bị một xe container chở máy móc, thiết bị, vật tư với trọng lượng 15 tấn từ TPHCM ra Hà Tĩnh.
Cũng theo “thần đèn” Nguyễn Văn Cư, để di chuyển được cổng đền cổ kính này, đơn vị sử dụng nhiều thiết bị hiện đại và phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, tuân thủ quy trình và kỹ thuật. Hiện cổng đền đã được dịch chuyển khỏi vị trí cũ một đoạn ngắn. Với tiến độ này, mất khoảng 3 tuần để hoàn thiện việc di dời.
Theo một lãnh đạo UBND phường Đức Thuận, cổng đền được di dời có cách đây khoảng 200 năm, thờ Khổng Tử và các bậc danh nhân trong làng Văn Chàng khi xưa, nay thuộc tổ dân phố Thuận Hòa (phường Đức Thuận). Qua thời gian, biến cố lịch sử, chỉ còn cổng đền và một số cây xanh.
Được biết, cuối năm 2022, dự án đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh (đoạn từ Quốc lộ 8 đến đường Tiên Sơn) được khởi công. Tuyến đường có chiều dài gần 3km, mặt đường thảm nhựa rộng 30m. Công trình có tổng đầu tư 150 tỷ đồng do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư.
Quá trình thi công, nhà thầu phải tạm dừng triển khai do tuyến đường đâm thẳng vào cổng đền. UBND thị xã Hồng Lĩnh sau đó đã thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư di dời được cổng đền đến vị trí khác với chi phí khoảng 800 triệu đồng. Số tiền này được lấy từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng.
Cũng theo lãnh đạo phường Đức Thuận, trước khi thực hiện việc di dời, chính quyền địa phương đã từng kiến nghị phục dựng lại đền nhưng chưa có kinh phí nên chưa thực hiện được. Sau khi di dời cổng đền đến vị trí mới, địa phương sẽ kêu gọi xã hội hóa để phục dựng lại đền.