Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025

Tham vọng lớn, khó khả thi

- Thứ Ba, 26/10/2021, 06:23 - Chia sẻ
Trong Báo cáo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. “Đây là một mục tiêu rất tham vọng và khó khả thi”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam TÔ HOÀI NAM chia sẻ.

Không nên là con số đơn thuần

- Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Kế hoạch) của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó 60.000 - 70.000 doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Ông nghĩ sao về mục tiêu này?

- Đây là một tham vọng rất lớn! Mặc dù Chính phủ cũng đã chỉ ra rằng, đây là chỉ tiêu của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, bối cảnh xây dựng các văn kiện đại hội khi mức độ ảnh hưởng của dịch chưa sâu, rộng (trước khi có làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư) nên điều chỉnh mục tiêu 1,3 triệu doanh nghiệp là phù hợp hơn với tình hình thực tế song vẫn rất khó khả thi. Bởi lẽ, làn sóng dịch Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cụ thể hóa mục tiêu.

- Tức là không nên đưa ra mục tiêu cụ thể về số lượng doanh nghiệp trong Kế hoạch?

- Trong điều kiện bình thường, việc đặt mục tiêu cho các kế hoạch là rất cần thiết, lấy đó làm đích đến, thước đo hiệu quả; đồng thời có cơ sở để phân bổ nguồn lực thực hiện, bao gồm cả ngân sách. Chúng ta sẽ không thể nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế nếu như không phát triển lực lượng doanh nghiệp đủ lớn mạnh, tức là phải bảo đảm về khối lượng doanh nghiệp. Chỉ khi khối lượng này đủ lớn mới có thể tác động tích cực đến nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất thường khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, tôi cho rằng việc đưa ra mục tiêu bằng con số đơn thuần là không cần thiết!

Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 là tham vọng lớn, khó khả thi
Nguồn: ITN

Hãy quan tâm đến chất lượng doanh nghiệp!

- Vậy theo ông, cần đặt tiêu chí gì cho sự phát triển lực lượng doanh nghiệp?

- Hãy quan tâm thực chất đến chất lượng doanh nghiệp - yếu tố bảo đảm tính bền vững. Muốn vậy, trong bối cảnh tổng cầu và tổng cung đều giảm hiện nay thì cần tạo ra tổng cầu trước, tức phải đẩy mạnh đầu tư công, kích thích kinh tế vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vốn sử dụng nhiều lao động. Khi đó sẽ gián tiếp và trực tiếp hỗ trợ cho sản xuất nội địa của doanh nghiệp Việt Nam (tạo việc làm, tiền lương cho người lao động, bởi thống kê cho thấy có khoảng 30 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, trong đó khoảng 5 - 7 triệu người không có việc làm).

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện thể chế kinh doanh, trong đó tăng cường tư pháp và thực thi pháp luật. Chúng ta cũng rất cần một gói kích thích kinh tế để ngăn chặn suy giảm. Gói hỗ trợ cấp bù lãi suất để giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp, qua đó tạo sức cạnh tranh tốt hơn thực sự cần thiết.

Thống kê cho thấy khoảng trên 95% doanh nghiệp ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ. Muốn tăng chất lượng của doanh nghiệp, muốn doanh nghiệp lớn lên, căn cơ nhất vẫn là phải thực hiện đúng các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đáng tiếc là hiện nay, việc triển khai vẫn chưa đồng bộ.

- Thực tế, trước đó, chúng ta đã đặt ra mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 nhưng kế hoạch đã bị phá sản bởi tính đến tháng 6.2021, cả nước mới có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo ông, bài học cần rút ra là gì?

- Hãy làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Nếu làm tốt phải có cơ chế khen thưởng và ngược lại, không đạt mục tiêu thì phải bị xử lý với chế tài cụ thể. Nếu không, trong nhiều trường hợp, đưa ra mục tiêu cao chỉ để làm đẹp báo cáo mà thôi!

 - Xin cảm ơn ông!

Theo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, Chính phủ xác định tăng cường chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trên tất cả các ngành, lĩnh vực; nâng dần tỷ trọng chi của doanh nghiệp trong tổng chi cho nghiên cứu và triển khai lên khoảng 50%. Đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm...

Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực; có chính sách thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; đổi mới phương thức quản lý hộ kinh doanh cá thể, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh; triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hình thức kinh doanh chính thức...

 

Minh Châu thực hiện