Tham vấn dự thảo nghiên cứu xây dựng biện pháp tịch thu tài sản không qua kết tội

- Thứ Hai, 21/12/2020, 16:14 - Chia sẻ
Ngày 21.12, tại Hà Nội,  Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC); Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Báo cáo nghiên cứu xây dựng biện pháp tịch thu tài sản không qua kết tội và đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan.
Toàn cảnh hội thảo.

Nhận thức được tính nghiêm trọng của tham nhũng và sự cần thiết nhằm tăng cường các cơ chế giảm thiểu tác động của tham nhũng, thúc đẩy thu hồi tài sản tham nhũng, Chương V của Công ước Phòng, chống Tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) đưa ra cơ sở pháp lý cho công tác thu hồi tài sản bị đánh cắp, đặt ra yêu cầu các quốc gia cần tiến hành các biện pháp nhằm phong tỏa, thu giữ, thu hồi và trả lại tài sản tham nhũng. Hơn nữa, thu hồi tài sản được đề cập đến trong Mục tiêu số 16.4, Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững. Chu trình Đánh giá lần thứ hai của UNCAC cũng coi thu hồi tài sản là một trong hai nội dung chính.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid -19, Chính phủ các nước đang phải vật lộn với các tác động của của đại dịch tới nền kinh tế, sức khỏe cộng đồng và sinh kế của người dân. Nhiều nước đã đưa ra nhiều biện pháp cấp bách và quan trọng để khôi phục kinh tế cũng như hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Kể từ tháng 4 năm 2020, với Nghị Quyết số 42/NQ-CP, Chính phủ Việt Nam  cũng đã và đang thực hiện gói hỗ trợ Covid-19 cho các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhất là những người nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, việc ứng phó với đại dịch cũng đang tạo ra, “cơ hội cho tham nhũng”.

Bên cạnh, góp ý vào Dự thảo Báo cáo nghiên cứu xây dựng biện pháp tịch thu tài sản không qua kết tội và đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan; các đại biểu đã chia sẻ kinh kinh nghiệm quốc tế về thu hồi tài sản; thảo luận, đưa ra nhận xét và khuyến nghị nhằm cải thiện luật pháp, chính sách và thể chế của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Cố vấn khu vực về Phòng chống tham nhũng, UNODC Francesco Checchi chia sẻ, kinh nghiệm ở các quốc gia trên thế giới đã chỉ ra thu hồi tài sản không qua kết tội là một công cụ cực kỳ quan trọng nhằm thu hồi được tài sản và phương tiện phạm tội tham nhũng, nhất là trong các trường hợp tài sản tham nhũng bị chuyển ra nước ngoài, người có sai phạm đã mất, đã tẩu thoát hoặc được miễn trừ truy cứu trách nhiệm hình sự. Các biện pháp nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, chẳng hạn các Tòa án độc lập, các thủ tục tư pháp mạnh mẽ bảo đảm quyền sở hữu của cá nhân, là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả biện pháp thu hồi tài sản không qua kết tội. Thu hồi tài sản không qua kết tội hoàn toàn có thể phù hợp với tính thượng tôn pháp luật nếu một số biện pháp đảm bảo được thực hiện. Trong đó, cần cân bằng giữa quyền con người và các cam kết chống tham nhũng; thu hồi tài sản không qua kết tội sẽ không thể thực hiện được nếu không đẩy mạnh các chính sách pháp luật hiện hành về tịch thu tài sản, tăng cường phối hợp, điều phối giữa các cơ quan hữu quan và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Nguyễn Minh