![]() |
Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, thời gian qua tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn ra rất phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội, trở thành vấn nạn nhức nhối không chỉ của riêng Việt Nam mà của cả quốc tế. Ở khía cạnh thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, góp phần vào hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục. Tuy nhiên thực tế cũng phát sinh nhiều vướng mắc khi áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về các tội xâm hại tình dục. Do đó, QH đã giao Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định còn vướng mắc. Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 141 về tội hiếp dâm, Điều 142 về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Điều 143 về tội cưỡng dâm, Điều 144 về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Điều 145 về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Điều 146 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và Điều 147 về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm của BLHS. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC Nguyễn Chí Công cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, có ý kiến cho rằng ngoài việc hướng dẫn các tội nêu trên thì Nghị quyết cần hướng dẫn áp dụng các tội khác có liên quan như Điều 326 về tội truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm, Điều 327 về tội chứa mại dâm, Điều 328 về tội môi giới mại dâm và Điều 329 về tội mua dâm người dưới 18 tuổi.
Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận về các nội dung còn có nhiều ý kiến như độ tuổi trong xử lý hình sự; nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội; một số tình tiết định khung hình phạt…; thủ tục điều tra và xét xử nhạy cảm với người chưa thành niên để hỗ trợ người chưa thành niên cung cấp lời khai hiệu quả và giảm sang chấn khi tham gia vào quá trình tố tụng. Chuyên gia luật pháp và giới của UNICEF Shelley Casey cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường luật pháp quốc gia nhằm đối phó với tình trạng bạo lực đối với người chưa thành niên. Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có nhiều quy định quan trọng mới nhằm bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục cũng như các hình thức bạo lực khác một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, pháp luật của Việt Nam vẫn còn những lỗ hổng cần được khắc phục nhằm để phù hợp với Công ước về Quyền trẻ em (CRC) và Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em (OPSC).