Thẩm tra việc chuyển mục đích sử dụng rừng tại một số dự án hồ chứa nước

- Thứ Bảy, 17/10/2020, 16:52 - Chia sẻ
Ngày 17.10, tại tỉnh Bắc Ninh, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thẩm tra đề nghị của Chính phủ về xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án hồ chứa nước Sông Than (tỉnh Ninh Thuận) và dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa).

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp.

Dự án hồ chứa nước Sông Than được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt lần đầu năm 2010 nhưng do khó khăn về vốn nên đã dừng triển khai vào năm 2011. Năm 2016, do nhu cầu cấp bách trong việc chống hạn, Dự án  tiếp tục được bố trí trong kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2020. Năm 2018, dự án tiếp tục được điều chỉnh và nâng tổng mức đầu tư lên 855 tỷ đồng, dung tích tăng hơn 35 triệu m3 so với phê duyệt năm 2010, diện tích sử dụng là hơn 885 ha, tăng 85 ha so với phê duyệt 2010. Dự án sẽ cấp nước tưới cho 4.500ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 người dân vùng hạ lưu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn trình bày Báo cáo

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn khẳng định, đây là dự án cấp thiết, đã đầu tư bố trí vốn ngân sách, nguồn vốn được thẩm định và cân đối theo đúng quy định. Tỉnh Ninh Thuận đã rất quyết tâm, đã bổ sung trồng mới nhiều diện tích rừng, người dân tự nguyện di dời chuyển sang khu tái định cư, nên cần thúc đẩy triển khai nhanh, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng ý với chủ trương của Chính phủ chuyển mục đích sử dụng hơn 431 ha gồm gần 334 ha rừng tự nhiên và gần 98 ha rừng trồng) trong đó, rừng phòng hộ là hơn 100 ha, rừng sản xuất là hơn 309 ha, diện tích quy hoạch đưa ra ngoài 3 loại rừng là hơn 21 ha để thực hiện dự án Hồ chứa nước sông Than tỉnh Ninh Thuận. Tuy dự án này đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Mười tới, song, nhiều ý kiến cho rằng, UBND tỉnh Ninh Thuận, chủ đầu tư dự án cần thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế. Quốc hội cần giám sát việc chuyển đổi này để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển KT – XH vừa bảo đảm phát triển bền vững đất nước, thực thi nghiêm quy định pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đầu tư công.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà phát biểu

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, nằm trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, được Bộ NN và PTNT phê duyệt đầu tư từ năm 2009, với tổng diện tích đất là 5.259 ha, trong đó diện tích đất rừng bị ảnh hưởng có 94 ha rừng phòng hộ, 671 ha rừng sản xuất. Dự án này không thuộc diện dự án, công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án được giãn tiến độ thực hiện, chọn điểm dừng kỹ thuật. Sau đó, đến năm 2017, dự án được bố trí vốn trở lại, tiến hành điều chỉnh về diện tích đất của dự án, phạm vi bồi thường, hỗ trợ tái định cư.... Ngoài ra, do Luật Lâm nghiệp năm 2017 thay đổi tiêu chí phân loại rừng nên nhiều diện tích chưa được tính là rừng nay được đưa vào quy hoạch. Do vậy, sau khi tỉnh Nghệ An phối hợp với tỉnh Thanh Hóa xác định thì diện tích đất chiếm dụng của dự án lên đến 3.963 ha, trong đó có 1.131 ha đất rừng, rừng phòng hộ đầu nguồn là 312 ha cần chuyển đổi mục đích sử dụng, thuộc dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho ý kiến với các báo cáo của Chính phủ

Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với việc trình ra Quốc hội xem xét với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phục vụ xây dựng hồ chứa nước Bản Mồng. Tuy dự án này không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, song do diện tích rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn lớn, nên một số ý kiến đề nghị, nếu được Quốc hội cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án thì Chính phủ phải giao chủ đầu tư cập nhật lại báo cáo này. Ngoài ra, dự án được thực hiện trong thời gian dài, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sớm thay đổi, nên đến thời điểm này trình ra Quốc hội xem xét là chậm. Các thành viên Ủy ban đề nghị, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm vấn đề này. 

Thanh Hải