Tham dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Trình bày Tờ trình dự thảo luật, đại diện Bộ Y tế nêu rõ, thuốc có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dược và đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động dược, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, một số luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử... có tác động trực tiếp đến lĩnh vực dược. Để thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật thì cần thiết phải rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về dược.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 45 Điều của 8 Chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016. Dự thảo Luật bổ sung “điều kiện lưu hành oxy y tế” vào phạm vi điều chỉnh và sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược, quy định về hành nghề dược, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đăng ký, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thu hồi thuốc, thông tin, quảng cáo thuốc, thử thuốc trên lâm sàng, quản lý chất lượng thuốc và quản lý giá thuốc.
Tại Phiên họp, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Trong đó, cần chỉ rõ những nội dung cụ thể trong các luật hiện hành như Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Luật Đầu tư năm 2020… và đặc biệt là các luật mới được Quốc hội thông qua trong năm 2023 như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giao dịch điện tử, Luật Giá, Luật Đấu thầu..., chỉ rõ những điểm khác nhau, mâu thuẫn, chồng chéo, làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tương ứng trong dự thảo luật.
Dự thảo luật đã bổ sung nhiều chính sách, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Các đại biểu nhấn mạnh, việc luật hoá các chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược cần được đánh giá kỹ lưỡng, xem xét thận trọng trên cơ sở “lấy người dân làm trung tâm”. Các chính sách ưu đãi đầu tư cần thể hiện tính đột phá, đủ mạnh, đồng bộ về đầu tư, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu Việt Nam, phát triển chuỗi giá trị, liên kết phát triển dược, nhất là phát triển dược liệu, phát triển vùng trồng dược liệu quý, sản xuất thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước…
Đối với vấn đề cung ứng dược liệu, nêu thực tế vừa qua có hiện trạng không cung ứng kịp thời thuốc và dược phẩm, cơ chế còn vướng mắc, các đại biểu đề nghị cần có những điều khoản quy định rõ về vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thuốc trong các điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để trình Quốc hội cho ý kiến trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban và ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp, Ủy ban Xã hội cũng đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về dược.