![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp z6304822962827-8ece4c8ff1ef3c5a75db81dfe25eea2f.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/7e2436bc5adb1ff93ce50a6461ba992ea500124d92fe9260d611918a4cbd2f46b53430f4e3d5780ff9e7b00c258cb15426d58cec1692e4b12b95c756a21636c1d9533b1ebe18cdb7c8cc1612ca121810/z6304822962827-8ece4c8ff1ef3c5a75db81dfe25eea2f.jpg)
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; các thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
![Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/7e2436bc5adb1ff93ce50a6461ba992ea523f710c413cb7cf95094a9a6f8a9935f37d9e98e8a940f02eaa21ffc839ff46cec759a15f30fb4f06f45f8b60dabbf9907ec40b40821023d786c0861d87748/z6305195237336-e48e994c2418965c4c477de3065d6304.jpg)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, kế thừa Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định khái quát hơn và bổ sung nội dung, trách nhiệm tổ chức thi hành bên cạnh nội dung về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau: “Luật này quy định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật”, đồng thời, giữ quy định Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 119-KL/TW, dự thảo Luật quy định ngắn gọn và chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và văn bản liên tịch. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn lại sẽ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015).
![Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/7e2436bc5adb1ff93ce50a6461ba992ea523f710c413cb7cf95094a9a6f8a9931a800a9bf2fe31722336094bf31804951c3020cca5e396a7cf6f07ef678844d0c4c58ef8476b3b142c54fd66456b6f73/z6305195184476-a7ba0a4d879106ed382a99d19f105148.jpg)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu
Các quy định cụ thể trong dự thảo Luật và tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật, gồm: tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Cho ý kiến về dự án Luật, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt thời gian qua; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
![Toàn cảnh phiên họp Toàn cảnh phiên họp](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/7e2436bc5adb1ff93ce50a6461ba992ea500124d92fe9260d611918a4cbd2f46e6516d8a55eab24ccb42c6a2ac2766df465f8f0d70b930856944aaa486502e469318c60172cad65c1df97da005d28022/z6304822927533-c0efa935423f19a059ccdcd784a179ad.jpg)
Toàn cảnh phiên họp
Các đại biểu cũng nhận thấy dự thảo Luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cụ thể là xây dựng luật ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề mang tính nguyên tắc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, các cơ quan quy định để bảo đảm linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ việc giảm số điều luật rất lớn (101 điều) có tác động thế nào đến hiệu lực điều chỉnh của Luật, việc khắc phục những bất cập, hạn chế của quy trình xây dựng pháp luật hiện hành để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng của văn bản.
Đồng thời, đề nghị quá trình chỉnh lý dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác cùng được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các luật, nghị quyết khác về tổ chức bộ máy.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra, bảo đảm chất lượng dự án Luật khi trình Quốc hội.