Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư…
Đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực
Theo Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2023, ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN), chưa tính kinh phí dành cho an ninh-quốc phòng, chi dự phòng, chi đầu tư phát triển dành cho KHCN năm 2023 là 12 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,58% tổng chi ngân sách Nhà nước. Trong đó, kinh phí sự nghiệp KHCN trung ương là 8.800 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp KHCN địa phương là gần 3.300 tỷ đồng.
Theo báo cáo, đến 18.9.2023, Bộ KHCN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán và hướng dẫn cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện 12.091 tỷ đồng (SNĐP: 3.291 tỷ đồng đạt 100%; SNTW: 7.823 tỷ đồng đạt 88,9%) dự toán chi sự nghiệp KHCN năm 2023. Số kinh phí của năm 2023 còn lại 976,767 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ KHCN quốc gia cấp thiết phát sinh những tháng cuối năm 2023 và các nhiệm vụ KHCN đột xuất khác theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ.
Báo cáo cũng nêu rõ, trong thời gian qua, cơ chế, chính sách về KHCN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động KHCN, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Nhờ vậy, KHCN đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực.
Tại phiên họp thẩm tra, các đại biểu đều đánh giá cao các kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, ngân sách Nhà nước cho KHCN thời gian qua. Đặc biệt, cơ chế, chính sách về KHCN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động KHCN, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, chính sách, pháp luật hiện có một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN chưa rõ ràng, việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu có nhiều vướng mắc. Do vậy, một số ý kiến đề nghị, cần phân định rõ quyền lợi, vai trò của các bên, thậm chí cần thoát ra khỏi quan niệm “nếu sử dụng ngân sách Nhà nước thì kết quả nghiên cứu sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước”, vì như vậy sẽ tháo gỡ vướng mắc lớn nhất về cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN, kích thích đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học hơn nữa.
Một số ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư công quy định Quốc hội quyết định giao phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ, ngành và địa phương được chủ động giao và điều chỉnh kế hoạch vốn năm trong nội bộ giữa các ngành, lĩnh vực của đơn vị theo khả năng thực hiện dự án. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả nguồn lực chi đầu tư phát triển ngành KHCN phải trên cơ sở cả giai đoạn trung hạn; việc xác định tỷ lệ tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước ngành KHCN của các Bộ, ngành và địa phương đã phân bổ theo năm chưa phản ánh toàn diện việc bảo đảm ngân sách bố trí vốn đầu tư ngành KH và CN, đồng thời khó kiểm soát.
Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, một số cục, vụ thuộc Bộ đã giải trình về những vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị, Bộ KHCN tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, báo cáo nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để hoàn thiện Báo cáo. Trong đó, chú ý bổ sung số liệu để cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu Quốc hội và qua đó đưa ra đánh giá sâu, cụ thể hơn về những vấn đề nổi lên trong thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển KHCN; việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho KHCN; kết quả hoạt động KHCN năm 2023.
Hình thành phương thức quản lý mới các vấn đề môi trường
Cũng trong chiều nay, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thẩm tra Báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ, ngân sách Nhà nước năm 2023 và dự kiến năm 2024 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), trong năm 2023, tổng kinh phí sự nghiệp môi trường trung ương là 1.920.000 triệu đồng, đến nay đã được phân bổ 1.475.860 triệu đồng, còn lại 444.140 triệu đồng. Tháng 8.2023, Bộ TNMT đã tổng hợp, đề xuất phân bổ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trung ương đợt 2 năm 2023 gửi Bộ Tài chính.
Về thực hiện các nhiệm vụ được giao, Báo cáo nêu rõ, trong thời gian qua, Bộ TNMT đã tập trung toàn lực, phát huy sức mạnh tập thể để chủ động ứng phó, giải quyết một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao, tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác chỉ đạo, điều hành. Kết quả đáng chú ý là công cụ phòng ngừa ô nhiễm đã được quan tâm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc sàng lọc, kiểm soát định hướng, quy hoạch, dự án đầu tư phát triển phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường. Đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn,…). Đã hình thành được phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm.
Các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian qua. Đồng thời, phân tích, đánh giá việc ban hành chưa đúng tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường về xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, bài học của việc điều chỉnh cắt giảm vốn đầu tư một dự án bảo vệ môi trường; phương án phân bổ vốn sự nghiệp trung ương năm 2024…
Tiếp đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thẩm tra Báo cáo về việc xây dựng Quy hoạch không gian biển Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.