Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 cho thấy, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11.5.2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, theo đó, đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện 9 nhóm vấn đề, 96 nhiệm vụ để tổ chức thực hiện với lộ trình, thời hạn hoàn thành cụ thể.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đã chủ động tham mưu rà soát, sửa đổi những vấn đề bất cập trong các quy định, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, đổi mới bằng nhiều hình thức.
Bên cạnh đó, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình cháy, nổ tại hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người còn diễn biến phức tạp; một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người. Các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao; ý thức của một bộ phận người dân trong việc quản lý, sử dụng điện an toàn tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất chưa cao…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện. Tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy theo kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2025 - 2030. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; coi trọng thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy; tăng cường tự kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy…
Đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, từ tháng 10.2023 đến hết tháng 9.2024, Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội. Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc Quyết định số 630/QĐ-TTg và Quyết định số 1492/QĐ-TTg; tiếp tục rà soát, ban hành, sửa đổi các văn bản để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia được bổ sung, xây dựng mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác tuyên truyền đã có sự chuyển biến với một số hình thức tuyên truyền mới được áp dụng đem lại hiệu quả tích cực…
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương khi xây dựng các đề án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng tới công tác quy hoạch hạ tầng về phòng cháy, chữa cháy; quan tâm bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đầu tư phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện đại nâng cao năng lực ứng phó sự cố cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ đối với các loại hình cháy phức tạp, chú trọng trang thiết bị bảo vệ cá nhân cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đỗ Quang Thành đánh giá cao các ý kiến phát biểu đã tập trung đi sâu làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và trách nhiệm đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội và giải pháp thực hiện trong năm 2025; Thường trực Ủy ban sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra theo quy định.