Thẩm quyền và giới hạn của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm
(ĐBNDO)- Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, không phải là một cấp xét xử thứ ba; đây là thủ tục xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, tại dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi lần này đưa ra quy định bổ sung thẩm quyền xử án của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Đây là vấn đề còn nhiều tranh luận. Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sâu hơn và cân nhắc kỹ bởi đây là vấn đề mới, quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quan điểm truyền thống và hệ thống xét xử cả về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính của nước ta từ trước đến nay.
Về quy định Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền sửa bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, ĐBQH Giàng Thị Bình cho biết, theo quy định của pháp luật, giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt, không phải là cấp xét xử thứ ba, thành phần Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chỉ có các thẩm phán, không có hội thẩm nhân dân tham gia. Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức tòa án nhân dân cũng quy định Tòa án nước ta là tòa án xét xử hai cấp. Tại khoản 5 điều 340 dự thảo luật nêu rõ “Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật’; tại điều 344 quy định “căn cứ để Hội đồng xét xử giám đốc thẩm quyết định sửa một phần hoặc toàn bộ bản án”; trong khi đó tại khoản 2 điều 335 dự thảo Luật quy định ‘khi xét thấy cần thiết, Tòa án triệu tập những người tham gia tố tụng và những người khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm để trình bày và tranh tụng những vấn đề có liên quan đến vụ án”. Cùng với đó, tại đoạn 2 của khoản điều 338 dự thảo Luật quy định về thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm nêu rõ “tại phiên tòa giám đốc thẩm, đương sự, người tham gia tố tụng hoặc người có liên quan khác được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu”. Như vậy, với các nội dung này vô hình trung đã quy định Tòa án có 3 cấp xét xử là không đúng với tinh thần của Hiến pháp. Do vậy, đại biểu Giàng Thị Bình đề nghị, Ban soạn thảo giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền của giám đốc thẩm.
Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Hà Thị Lan cho rằng, việc dự thảo Luật bổ sung quy định mới cho phép Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án quyết định đã có hiệu lực của tòa án cấp dưới tại điều 340 và điều 344 là vấn đề mới và quan trọng, nếu được thông qua sẽ làm thay đổi rất nhiều thứ tự, quan điểm học thuật đến thực tiễn áp dụng. Theo đại biểu, cần nghiên cứu hết sức thận trọng và toàn diện vấn đề này. Trước hết, về mặt thực tiễn các luật tố tụng hiện hành như Bộ luật Tố tụng hình dự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính không quy định giám đốc thẩm có quyền xử án. Theo đó giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử thứ ba mà chỉ là một thủ tục đặc biệt xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Vì vậy, trong trường hợp bổ sung thẩm quyền này cho cấp giám đốc thẩm cần có sự thống nhất về chủ trương chung trong các luật về tố tụng, tổng kết đánh giá toàn diện cả về mặt lý luận và thực tiễn trước khi xem xét, bổ sung.
Thứ hai, cần xem xét cân nhắc việc cho phép giám đốc thẩm quyền xử án, mở ra cấp xét xử thứ ba có phù hợp với nguyên tắc 2 cấp xét xử không? Thứ ba, việc cho phép giám đốc thẩm có quyền sửa án, mở ra cấp xét xử thứ 3 sẽ không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, vì phiên toàn giám đốc thẩm thường được xét xử khép kín, không có sự tham gia của đương sự và luật sư, dẫn đến không bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các đương sự và các vụ án. Thứ tư, về mặt lý luận bổ sung quy định này sẽ giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, không quay vòng nhiều lần, gây tốn kém về chi phí và thời gian của đương sự cũng như của nhà nước; đồng thời bảo đảm cho việc giải quyết vụ án có điểm dừng là cần thiết, sẽ giải quyết được những vướng mắc, bất cập gặp phải trong thời gian vừa qua như tránh được tình trạng việc dân sự xét xử qua nhiều lần, nhiều cấp và có những vụ việc kéo dài hàng chục năm và không có điểm dừng. Tuy nhiên, thế nào là chứng cứ rõ ràng, đủ căn cứ để kết luận chưa được làm rõ trong dự thảo Luật nên khó tránh khỏi sự tùy tiện trong áp dụng sau này. Đại biểu nhấn mạnh, đây là một vấn đề mới, quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm truyền thống và hệ thống xét xử cả về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính của nước ta từ trước đến nay, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sâu hơn và cân nhắc kỹ vấn đề này.
Trong khi đó, ĐBQH Vi Thị Hương lại cho rằng, trong giai đoạn hiện nay nên cho Hội đồng giám đốc thẩm có thầm quyền xử án vì trong thời gian qua Hội đồng giám đốc thẩm chỉ có thẩm quyền hủy án dẫn đến những có bản án chỉ sai về thủ tục tố tụng, tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nhưng vì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm không có thẩm quyền xử án nên phải hủy án. Theo đại biểu, điều này không những không giải quyết được quyền lợi cho người dân mà còn ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm của thẩm phán. Trong một nhiệm kỳ thì một thẩm phán bị xem xét tạm dừng tái bổ nhiệm nếu có tỷ lệ án bị hủy bị, sửa cao hơn 1,16% trên tổng số vụ án đã xét xử. Cùng với đó, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật là cần thiết nhằm giúp việc giải quyết vụ án không quay vòng nhiều và không gây tốn kém nhiều về chi phí và thời gian của đương sự cũng như của Nhà nước. Đồng thời, việc quy định bổ sung thẩm quyền này của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án có điểm dừng và tạo cơ sở cho việc ban hành án lệ, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Về vấn đề này, ĐBQH Vũ Xuân Trường cũng bày tỏ sự nhất trí với dự thảo Luật là cho phép Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa một số bản án trong những điểm, những phạm vi và những điều kiện cần thiết mà rõ ràng, đầy đủ, tránh vi phạm nguyên tắc chỉ có xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, biến cấp giám đốc thẩm thành cấp xét xử để bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và nguyên tắc xét xử.