Thẩm quyền lớn nhưng dễ quá tải
Về nguyên tắc, Tòa án Hiến pháp Áo có thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp đối với tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật cũng như văn bản hành chính. Trong đó kiểm tra trước một văn bản trước khi nó hiệu lực trên thực tế và thường là kiểm tra về thẩm quyền ban hành văn bản. Tòa án Hiến pháp có thể tự mình (trong trường hợp phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm khi đang tiến hành xem xét một vụ việc cụ thể) hoặc theo đề nghị của Chính phủ liên bang, Chính phủ bang để xem xét tính hợp hiến, hợp pháp về thẩm quyền lập pháp.
Tòa án Hiến pháp Áo được xây dựng trên nền tảng của học thuyết về mô hình giám sát tư pháp Hiến pháp (Constitutional Judicial Review) với đặc trưng là có vị trí pháp lý, cơ cấu tổ chức riêng và hoạt động hoàn toàn độc lập với ba nhánh quyền lực nhà nước. Đây là đại diện tiêu biểu cho mô hình châu Âu (hay còn gọi là mô hình Áo) - một trong ba mô hình điển hình của chế định cơ quan bảo hiến tồn tại cho đến ngày nay. |
Song song với hoạt động trên là kiểm tra tính hợp hiến của một văn bản đã được thực thi, thông thường là kiểm tra nội dung văn bản (có thể toàn bộ nội dung hoặc một điều, khoản của văn bản đó). Hiến pháp Áo quy định: Trong trường hợp cụ thể, khi một đạo luật bang hoặc liên bang có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp; hoặc nghi ngờ một đạo luật có dấu hiệu gây thiệt hại, Tòa án Hiến pháp có thể tự mình hoặc theo đề nghị của Tòa án tối cao, Tòa án hành chính, bản kháng án của các tòa án khác để tiến hành kiểm tra đồng thời tính hợp hiến và hợp pháp của đạo luật đó. Tòa án Hiến pháp Áo cũng phải tiến hành kiểm tra nếu Chính phủ liên bang có yêu cầu xem xét tính hợp pháp, hợp hiến của một đạo luật do một bang ban hành; hoặc theo đề nghị của hơn 1/3 số thành viên Nghị viện (Điều 140).
Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, Tòa án này cũng có thẩm quyền quyết định tính hợp pháp và hợp hiến đối với các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, từ khi được quy định cho đến nay, quyền năng này chưa bao giờ được sử dụng trên thực tế.
Một trong những thẩm quyền quan trọng khác của Tòa án Hiến pháp Áo là kiểm tra kết quả bầu cử. Với vị trí như một nhánh quyền lực trung gian, bảo đảm tính chất đối trọng, cân đối trong ba nhánh quyền lực nhà nước, Tòa án Hiến pháp Áo có thẩm quyền tối cao về vấn đề bầu cử, là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phán xử về những tranh chấp trong quá trình cũng như đưa ra kết luận cuối cùng về tính hợp pháp của kết quả các cuộc bầu cử chính trị hành chính, bầu cử chuyên môn (Điều 141 Hiến pháp). Cụ thể là: Bầu cử đại biểu Viện Dân tộc; bầu cử đại biểu Nghị viện các bang; bầu Hội đồng bang; bầu Tổng thống liên bang; bầu cơ quan hành pháp các bang; bầu cử vào các tổ chức nghề nghiệp chuyên môn.
Tòa án Hiến pháp cũng được coi như một Tòa án Hành chính đặc biệt, có quyền phán xét lại những vụ việc mà Tòa án Hành chính đã xét xử nếu có liên quan đến Hiến pháp và điều ước quốc tế (ví dụ: có sự vi phạm quyền hiến định). Nếu có vi phạm, phán quyết của Tòa án Hành chính sẽ không được tiếp tục thi hành và trở thành đối tượng giám sát tư pháp. Chính từ quy định trên mà Tòa án Hiến pháp Áo bị quá tải, đặc biệt là phải giải quyết những trường hợp đột xuất. Dường như Tòa án Hiến pháp phải giải quyết tất cả những vụ việc không thuộc thẩm quyền của một tòa nào. Để khắc phục tình trạng này, trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 1981 và được bổ sung năm 1984, “Tòa án Hiến pháp Áo có quyền từ chối giải quyết những vụ việc mà xét thấy không có dấu hiệu vi phạm luật Hiến pháp” (Điều 144 Hiến pháp Áo).
Giám sát việc tôn trọng thế cân bằng trong liên bang là một thẩm quyền khác của Tòa án Hiến pháp. Theo đó, cơ quan này có quyền phán xét và đưa ra quyết định cuối cùng về thẩm quyền trên toàn lãnh thổ Cộng hòa Áo. Cụ thể, Tòa án Hiến pháp được trao quyền giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giữa các tòa án và các cơ quan hành chính; giữa tòa án thông thường và các tòa án khác; giữa Tòa án Hành chính với các tòa án khác; giữa các bang và giữa bang với liên bang; đặc biệt là xem xét thẩm quyền của chính Tòa án Hiến pháp…Đặc biệt, Tòa án Hiến pháp có khả năng giải quyết một số vụ việc kiện về trách nhiệm. Tương tự như Tòa án tối cao, Tòa án này có thẩm quyền quy trách nhiệm pháp lý đối với các thành viên cơ quan tối cao liên bang như: Tổng thống liên bang, các thành viên Chính phủ liên bang; mà hình thức xử lý những cá nhân vi phạm có thể là cách chức hoặc cao hơn là truy tố trách nhiệm hình sự. Những chức vụ cao nhất của bang và liên bang có thể trở thành bị cáo của Tòa án Hiến pháp nếu họ vi phạm Hiến pháp hoặc vi phạm luật liên quan đến chức vụ đang nắm giữ. Tuy nhiên, kể từ năm 1945 cho đến nay, Tòa án Hiến pháp Áo chưa sử dụng thẩm quyền đặc biệt này lần nào.