Hỏi - Đáp

Thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú trong nước và ở nước ngoài

Hỏi: Chị Huỳnh Thị Bảo Ch, sinh năm 1995, cư trú tại phường 1, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang, đăng ký kết hôn với anh Đoàn Văn S, sinh năm 1993, cùng cư trú tại phường 1, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang (giấy chứng nhận kết hôn do UBND phường 1 cấp ngày 2.12.2019). Sau khi đăng ký kết hôn, chị Ch làm thủ tục xuất cảnh sang Đức theo diện chồng bảo lãnh nhưng Tổng Lãnh sự quán Đức tại TP. Hồ Chí Minh từ chối giải quyết với lý do Giấy chứng nhận kết hôn cấp cho chị Ch và anh S không đúng thẩm quyền, vì anh S cư trú tại nước ngoài nên thẩm quyền đăng ký kết hôn phải thuộc UBND cấp huyện.

Theo trình bày của chị Ch, trước đây anh S đi du học tại Đức, kỳ nghỉ hè năm 2019, anh S về nước và đăng ký kết hôn với chị Ch tại UBND phường 1. Anh S không khai và cũng không nộp giấy tờ liên quan đến việc anh S đang đi du học tại Đức. Kết thúc khóa học, anh S ở lại Đức làm việc. Ngày 19.11.2019, anh S được cơ quan có thẩm quyền của Đức cấp giấy phép cư trú và có hiệu lực đến ngày 31.12.2021.

Trường hợp này thì thẩm quyền đăng ký kết hôn được xác định như thế nào? Cơ quan nhà nước nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của công dân?

Trả lời:

Số lượng công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài thông qua các hình thức như đoàn tụ gia đình, đi du học, đi lao động…, sau đó được cư trú lâu dài ở nước ngoài ngày càng nhiều, cũng có nhiều trường hợp trong số này vẫn còn hộ khẩu thường trú trong nước, nên khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, người yêu cầu không khai về việc đang cư trú ở nước ngoài, nên dẫn đến việc cơ quan đăng ký hộ tịch xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch chưa chính xác.

Tuy nhiên, đối với trường hợp của anh S và chị Ch, cần phải xem xét đến thời điểm đăng ký kết hôn, căn cứ vào các quy định pháp luật để có hướng xử lý phù hợp.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 37, Luật Hộ tịch thì: Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

Khoản 3, Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể như thế nào là cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài, bởi vì người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống thì việc họ có được định cư hay không là do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xem xét, quyết định.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28.5.2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, có hiệu lực từ ngày 16.7.2020 (thay thế Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16.11.2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) thì: “Trường hợp công dân Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp giấy tờ cho phép cư trú, có yêu cầu kết hôn với nhau hoặc kết hôn với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước thì thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 37, Luật Hộ tịch”.

Như vậy, trường hợp công dân Việt Nam công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài (chưa được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy tờ cho phép định cư/cư trú vĩnh viễn) đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước trước ngày 16.7.2020, thì thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi cư trú của công dân Việt Nam. Kể từ ngày 16.7.2020, trường hợp công dân Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp giấy tờ cho phép cư trú, có yêu cầu kết hôn với nhau hoặc kết hôn với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước thì thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện.

Đối với trường hợp anh S, cơ quan đăng ký hộ tịch cần kiểm tra, xác minh việc đăng ký kết hôn của anh S và chị C tại Ủy ban Nhân dân phường 1, thị xã Cai Lậy. Nếu tại thời điểm đăng ký kết hôn (ngày 2.12.2019), anh S chỉ đi học tập, lao động có thời hạn tại Cộng hòa Liên bang Đức, thì việc kết hôn của anh S và chị Ch là đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Hộ tịch. Cơ quan quản lý nhà nước cần có văn bản trao đổi với Tổng Lãnh sự quán Đức tại TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này để bảo vệ quyền lợi của công dân.

_______

(Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Tư pháp, UNFPA và Vital Strategies)

Giải đáp pháp luật

Bị cho nghỉ cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không?
Giải đáp pháp luật

Bị cho nghỉ cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không?

Xin hỏi, trường hợp bị cho nghỉ việc cuối năm vì khó khăn kinh tế, người lao động có được hưởng trợ cấp mất việc không? Không trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đủ điều kiện hưởng thì bị phạt thế nào? – Câu hỏi của bạn Đức Huy (Hải Dương).

“Trợ lý ảo” báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số trong TAND tại Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của TAND tối cao.
Giải đáp pháp luật

Nâng hiệu quả xét xử nhờ trợ lý ảo

Những năm gần đây, ngành tòa án Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong công tác xét xử và hành chính tư pháp. Một trong những thành tựu đáng chú ý là việc triển khai phần mềm trợ lý ảo tòa án, hỗ trợ cán bộ tòa án trong việc tra cứu văn bản pháp luật, giải quyết tình huống pháp lý và nâng cao hiệu quả xét xử.