"Tham nhũng vặt" gây phiền hà cho nhân dân

- Thứ Hai, 26/10/2020, 14:19 - Chia sẻ
Đa số ĐBQH cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2020 cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp khi thảo luận trực tuyến về nội dung trong phiên họp sáng nay, 26.10.

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Nhiều đại biểu nêu rõ, năm 2020 công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Đa số ĐBQH cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2020 cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp; cho rằng, năm 2020 công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Theo ĐBQH Hà Thị Lan (Bắc Giang), dù một số loại tội phạm giảm so với những năm trước nhưng ở một số lĩnh vực cụ thể tội phạm lại có xu hướng diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Cụ thể, tội phạm hiếp dâm tăng 13,51%, đặc biệt trong đó là hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%; gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; số vụ giết người thân tăng mạnh 171,8%... Điều này đã gióng lên hồi chuông về sự coi thường pháp luật, sự xuống cấp về đạo đức xã hội nghiêm trọng ở một bộ phận trong xã hội.

Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) đề nghị, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng cần đánh giá đúng thực trạng, dự báo tốt tình hình, nguy cơ tiềm ẩn, làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp mạnh mẽ nhằm đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn chống lại các loại tội phạm nguy hiểm này.

Về các báo cáo của hai cơ quan tư pháp, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết, các báo cáo đều đưa ra một nhận định: số lượng các vụ án, đặc biệt là các vụ án hình sự bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm còn cao và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở những nhận định mà chưa chỉ ra được những nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này. ĐB Nguyễn Bá Sơn nêu rõ: “Đặc biệt báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ ra những vi phạm pháp luật trong tố tụng, mà chủ yếu là vi phạm trong khâu hoạt động điều tra. Tuy thống kê, phân tích không nêu những vi phạm này rơi vào ở cấp điều tra nào, nhưng chắc chắn cao hơn so với năm 2019 và những vi phạm này lại tập trung chủ yếu vào các hoạt động như: thực nghiệm điều tra, nhận dạng, trưng cầu giám định, giám định, định giá tài sản, lấy lời khai bị can và người làm chứng”. Vì vậy, ĐB Nguyễn Bá Sơn kiến nghị cần làm rõ những nội dung trên để có giải pháp khắc phục.

Về công tác thi hành án dân sự, ĐB Trần Văn Mão nhận định, vẫn còn tồn tại, hạn chế, tỷ lệ thi hành án, các vụ việc thi hành xong, đang thi hành so với tổng số vụ việc xét xử đạt thấp. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này, gây hoài nghi đối với các đối tượng được thi hành án về quyền và lợi ích của mình, đã được tòa án các cấp tuyên. Theo ĐB Trần Văn Mão, nếu tính cả tỷ lệ số vụ việc không hoặc chưa được, chưa có điều kiện thi hành với tổng số vụ việc có điều kiện thi hành giảm trong năm 2020, thì tỷ lệ thi hành án dân sự trong tổng số các vụ việc đã xét xử có hiệu lực còn giảm sâu hơn nhiều. Do đó, cần phải được xem xét kỹ để có giải pháp xử lý.

Làm trong sạch bộ máy và hệ thống chính trị

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019). Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ)…

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN, nhất là việc triển khai thi hành các quy định mới của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và các Luật mới được sửa đổi, bổ sung có liên quan chặt chẽ đối với công tác PCTN. Đề nghị TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát được phát hiện qua hoạt động tố tụng, kiểm toán nhà nước…

Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác PCTN năm 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; số lượng vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng cao. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến…

Tuy nhiên, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng; chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; còn có vụ án phải đình chỉ do không chứng minh được tội phạm…

Cơ bản tán thành với những dự báo của Chính phủ về tình hình tham nhũng, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế.

Các ĐBQH cho rằng, công tác PCTN đã và đang được Đảng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thời gian qua đạt được nhiều kết quả rõ nét, để lại dấu ấn rõ nét trong lòng nhân dân; tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng giảm, tạo niềm tin của cán bộ và nhân dân, góp phần làm trong sạch bộ máy và hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc xử lý tham nhũng vặt, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp ngày càng phức tạp, tinh vi, chưa ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, gây ảnh hưởng tới công tác PCTN. "Lợi ích nhóm", "sân sau" vẫn còn tồn tại gây bất công trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, việc thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng còn thấp. Tham nhũng không chỉ ở các cơ quan nhà nước mà còn ở một số lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là ở một số lĩnh vực kinh tế quan trọng, ở mộ số cơ quan … làm giảm niềm tin của nhân dân. Do đó, đề nghị, cần tiếp tục xử lý các hành vi tham nhũng không có vùng cấm, như vậy sẽ tác động tích cực đến việc phòng ngừa ngăn chặn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm khắc phục tình trạng khó xử lý khi phá hiện sai phạm như thời gian qua.

Quang Khánh