Bước vào “thế giới riêng”
Đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình những ngày thăm khám định kỳ hoặc thông qua đợt khám sàng lọc chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, các bác sĩ cùng PV chứng kiến không ít những câu chuyện trong “thế giới riêng” nhuốm màu bi ai của người bệnh. Đó là những đôi mắt vô hồn, sợ sệt; những câu nói không có ý nghĩa trên thân hình tiều tụy, hoảng loạn,… thường xuyên dò xét mọi thứ xung quanh.
Bác sĩ Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Phòng Khám đa khoa, CDC Quảng Bình - người đã gần 20 năm gắn bó với những người bệnh tâm thần cho biết: mỗi bệnh nhân đến đây sẽ có các biểu hiện kích động khác nhau và trong họ đều đang có một “thế giới riêng” mà bác sĩ phải tìm hiểu, đồng hành để điều trị.
Theo bác sĩ, có trường hợp bệnh nhân được đưa đến phòng khám trong tình trạng bị xích lâu ngày, kích động la hét, hung hãn tấn công người khác. Trường hợp khác thì cố thủ trong phòng kín, không chịu ra ngoài dù người nhà hết sức động viên.
Anh Đ.M.T, ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) sinh ra với thể chất bình thường và có một cuộc sống như bao người khác thì bất ngờ phát bệnh tâm thần vào năm 2014 khi đang là trụ cột gia đình, hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Anh T. la hét cả ngày, đánh vợ con rồi bỏ nhà đi lang thang, hành hung bất kỳ ai vì cho rằng họ muốn "ám sát" mình. Trong đầu anh lúc nào cũng có tiếng xì xầm sai khiến.
Một bệnh nhân khác là chị L.T.T.H. (ở TP Đồng Hới), đang điều trị tại phòng khám của CDC Quảng Bình. Chị cũng phát bệnh khi đến tuổi trưởng thành. Cơn bệnh ập đến khiến chị có biểu hiện hoang tưởng, kích động, đập phá đồ đạc, tấn công mọi người… Hoàn cảnh khó khăn, chị cùng người mẹ già tàn tật dắt díu nhau chạy chữa khắp nơi.
Trường hợp khác, một bà mẹ đưa con gái trong tình trạng kích động, tay ôm khư khư 2 con vịt tới phòng khám. Khi được hỏi, người mẹ bảo, mỗi lần phát bệnh, con bà đều phải ôm động vật mới đỡ hơn.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Hạnh, bệnh nhân tâm thần có biểu hiện không ai giống ai, nhưng tựu chung đều khiến đội ngũ y bác sĩ tại Trung tâm cảm thấy vô cùng thương cảm. “Với các bệnh nhân tâm thần, họ như ở một thế giới khác, suy nghĩ hành động đầy bất thường. Nhiều người vì đổ bệnh mà mất đi cả cuộc sống. Trong nhà có người tâm thần kéo theo cả gia đình vào cảnh cùng cực”, bác sĩ Hạnh cho biết.
Cũng vì vậy, trong suốt quá trình tìm hiểu “thế giới riêng” của bệnh nhân, các y bác sĩ đều trăn trở về sự đón nhận của cộng đồng, đặc biệt khi bệnh nhân điều trị ngoại trú thì xã hội chính là những người hỗ trợ hiệu quả để họ tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, việc nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm của cộng đồng về sức khỏe tâm thần hết sức quan trọng, góp phần điều trị và hòa nhập cộng đồng cho người mắc bệnh.
Hành trình thầm lặng
Những khó khăn của đội ngũ y, bác sĩ trong quá trình điều trị người bệnh tâm thần là những câu chuyện muôn hình vạn trạng. Không chỉ đối mặt với những trường hợp kích động khác nhau của bệnh nhân, các bác sĩ còn phải “chữa” mặc cảm riêng của mỗi gia đình.
Bác sĩ Trần Trùng Điệp, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm - Dinh dưỡng, CDC Quảng Bình, là người đồng hành cùng bác sĩ Hạnh trong nhiều năm tại Trung tâm. Theo bác sĩ Điệp, rối loạn tâm thần nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể dẫn đến mãn tính, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
“Nhiều người có xu hướng giấu bệnh của bản thân, người nhà cũng không chấp nhận rằng con, em mình có khiếm khuyết về tâm trí nên thường tìm đến phòng khám khi tình trạng bệnh đã nặng”, bác sĩ Điệp cho hay.
Cũng theo lời kể của bác sĩ, đội ngũ của anh và bác sĩ Hạnh từng đến nhà một nam bệnh nhân vừa học xong cấp 3. Bạn thường ở trong phòng, không tiếp xúc với ai, thường xuyên đập phá, la hét. Người nhà không chấp nhận sự thật mà cho rằng do thế lực siêu nhiên. Khi bác sĩ đến, gia đình phản ứng, xua đuổi. “Phải phân tích, động viên mãi họ mới đồng ý cho con chữa trị”, bác sĩ Điệp chia sẻ.
Với nhiều khó khăn và gian nan trong quá trình tiếp xúc cũng như điều trị bệnh nhân, vậy nhưng với tấm lòng của lương y cùng sự cảm thông được xây đắp nên sau mỗi một hoàn cảnh đặc biệt, nhiều y, bác sĩ tại Trung tâm đã gắn bó với nghề và thầm lặng hỗ trợ cho bệnh nhân.
Với bác sĩ Hạnh, từ ngày còn là nữ sinh cấp 3, chị đã chứng kiến nhiều hành động kỳ lạ của những người bất ổn về tâm trí cũng như nhiều sự cố đáng tiếc, những câu chuyện buồn xoay quanh sự điên loạn của những con người ấy. Sự ấn tượng trong tâm thức đã vô tình khiến cô kết duyên với nghề y. Sau khi hoàn thành thời gian học tập, năm 2005 bác sĩ Hạnh bắt đầu hành trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, đến nay đã gần 20 năm.
Theo bác sĩ, để làm tốt công việc này, ngoài yêu nghề và chuyên môn, cập nhật các nghiên cứu và phương pháp điều trị, còn phải có "tinh thần thép", kiên trì để bước vào được “thế giới riêng". Từ đó, thấu hiểu được căn nguyên tâm bệnh để điều trị hiệu quả hơn.
Đặc biệt, khi gặp gỡ các bệnh nhân trong tình trạng kích động, bệnh nhân bị trói, xích, bác sĩ Hạnh cùng đồng nghiệp có thể đối mặt với nguy cơ bị thương tích khi bệnh nhân vô tình tấn công. “Đôi khi, một số người thắc mắc về nghề nghiệp của tôi khi phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân tâm thần liệu có đáng ngại. Tôi nghiệm lại rằng bản thân chỉ cảm thấy thương cảm với những hoàn cảnh. Ngoài ra, tôi còn có những người "đồng đội". Bệnh nhân trước khi nhập viện phải đánh giá biểu hiện xem có nguy cơ gây thương tích cho người khác không. Những người này khi bị chi phối bởi ảo thanh, ảo thị kích động sẽ rất nguy hiểm”, bác sĩ Hạnh cho biết.
Được biết, bên cạnh hoạt động khám chữa bệnh tại Trung tâm, Đoàn y bác sĩ CDC Quảng Bình còn đến tận nhà các bệnh nhân để thăm khám, hỗ trợ, do phần lớn bệnh nhân này đều không chịu đến cơ sở điều trị và có hành vi bất thường như trèo lên mái nhà, cố thủ không chịu gặp ai. Khi đó, bác sĩ đành phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế và tư vấn cho gia đình phương hướng điều trị.
Với sự tận tâm, tận lực từ tấm lòng lương y, các bác sĩ thầm lặng đồng hành cùng bao hành trình của bệnh nhân. Đáng mừng, nhiều bệnh nhân tâm thần điều trị tại CDC Quảng Bình dần có những chuyển biến tích cực, trở về với cuộc sống thường nhật và cảm nhận những điều bình dị bên người thân yêu.
Chị H. sau thời gian cùng mẹ già tàn tật lui tới Trung tâm điều trị, đến 3 năm trở lại đây, chị được về nhà điều trị ngoại trú. Bản thân chị có thể tự chăm sóc bản thân, dần hòa nhập với cộng đồng, cùng mẹ có lại cuộc sống yên bình.
"Hàng tháng, tôi tới CDC Quảng Bình để tái khám và nhận thuốc. Bác sĩ và mẹ dặn phải dùng thuốc đều đặn, nhờ vậy mà sức khỏe và trí nhớ cải thiện nhiều. Tâm trí bình thường nên tôi có thể đi giúp việc nhà theo giờ, nhặt phế liệu để san sẻ gánh nặng với mẹ và thấy cuộc đời ý nghĩa hơn", chị H. chia sẻ.