“Thảm đỏ” và nhân tài

- Thứ Tư, 23/06/2021, 05:57 - Chia sẻ
Với mong muốn trọng dụng nhân tài, mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang có thư ngỏ mời gọi sinh viên giỏi thuộc các trường đại học sư phạm trên toàn quốc về địa phương công tác với nhiều chế độ ưu đãi hấp dẫn.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang, tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi, xuất sắc về công tác tại trường THPT chuyên và các trường THPT trọng điểm theo chế độ ưu đãi hấp dẫn. Theo đó, đối với sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, loại giỏi trở lên được hỗ trợ 55 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại xuất sắc được hỗ trợ 50 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp loại giỏi được hỗ trợ 45 lần mức lương cơ sở. Ứng viên sẽ được tuyển dụng thông qua phương thức xét tuyển và hưởng chính sách hỗ trợ bằng tiền sau khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng. Để được hưởng chế độ ưu đãi này, ứng viên sẽ phải đáp ứng một trong các tiêu chí cụ thể mà tỉnh này đưa ra.  

Chính sách ưu đãi này được coi là cách mà Tuyên Quang đang “trải thảm đỏ” để thu hút sinh viên sư phạm giỏi về làm giáo viên các trường tại địa phương. Đây là tín hiệu tích cực để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng như thu hút người giỏi làm giáo viên, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Không chỉ có Tuyên Quang, không chỉ có lĩnh vực giáo dục, nhiều địa phương cũng rất “khát” nhân tài cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Và để chiêu mộ được hiền tài, nhiều địa phương đã đưa ra chính sách đãi ngộ. Đơn cử như TP. Hà Nội, qua khảo sát của Thành đoàn Hà Nội, 88 thủ khoa năm 2020 chỉ có 30 thủ khoa có nhu cầu làm việc tại các cơ quan nhà nước. Theo chế độ chính sách thu hút nhân tài của TP Hà Nội, thủ khoa xuất sắc được hỗ trợ 1 lần 20 tháng lương bằng mức lương cơ sở, sau 2 năm làm việc sẽ được ưu tiên du học, ra trường về làm việc cho thành phố ít nhất 7 năm. Tuy nhiên qua 18 năm, mặc dù đã tuyên dương 1.819 thủ khoa nhưng thành phố Hà Nội mới chỉ tuyển dụng chỉ được 186 thủ khoa, đạt xấp xỉ 10%. Thực tế này cho thấy, việc chiêu dụng nhân tài không phải là điều dễ dàng.

Khó thu hút nhân tài không còn là câu chuyện của riêng địa phương nào. Điều đó cho thấy, dường như “thảm đỏ” dù đã được trải nhưng nhân tài vẫn chưa thật sự mặn mà.

Thực tế cho thấy, các quy định hiện hành vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Các quy định về thu hút nhân tài chủ yếu mới chỉ thiên về chính sách bước đầu về cơ chế tài chính, chưa có trọng tâm, trọng điểm và chưa có chiến lược dài hạn về sử dụng nhân tài. Đó cũng là lý do vì sao không ít người giỏi sau khi được đào tạo ở nước ngoài về nước cống hiến chỉ một thời gian lại “dứt áo ra đi”.

Chính sách thu hút người tài bằng cơ chế tài chính là cần nhưng chưa đủ. Chính sách đãi ngộ tốt sẽ giúp nhân tài yên tâm cống hiến, toàn tâm, toàn ý cho vị trí mà họ được tuyển dụng. Song, đó không phải là điều kiện đủ để giữ chân nhân tài bởi nếu chỉ nói về đãi ngộ thì không ít công ty tư nhân, công ty nước ngoài, các tập đoàn kinh tế lớn sẽ có chế độ tốt hơn rất nhiều so với khu vực nhà nước.

Trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đó là coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thiết nghĩ, đã đến lúc, chiêu mộ nhân tài cần có một chiến lược dài hơi. "Thảm đỏ" không chỉ dừng lại ở chế độ đãi ngộ thu hút đầu vào mà cần có một cơ chế để đào tạo, sử dụng nhân tài bài bản. Cần tạo môi trường làm việc để người tài được sáng tạo, cạnh tranh bình đẳng, phát huy tài năng, sở trường của mình. Và điều quan trọng là, năng lực thực sự của họ phải được ghi nhận và tôn vinh xứng đáng.

Song Hà