Thảm án Lệ Chi Viên (Phần 1)
Truyện phim của Đoàn Lê, Nguyễn Quang Hà, Dạ Thảo

19/10/2009 00:00

Phần đời bi thảm của người anh hùng dân tộc, đại thi hào Nguyễn Trãi, đã được tái hiện trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Lần này, nhóm biên kịch của nhà văn Đoàn Lê phục dựng hình ảnh Nguyễn Trãi trong một kịch bản phim truyền hình bốn tập. NĐBND giới thiệu phần bốn của tác phẩm này trong 4 kỳ báo.

>> Thảm án Lệ Chi Viên (Phần 2)

>> Thảm án Lệ Chi Viên (Phần 3)

>> Thảm án Lệ Chi Viên (Phần cuối)

 Kinh thành lại một phen nhốn nháo với những đoàn cấm vệ quân rầm rập truy tìm Ngọc Dao.

 Một cô gái bị lính kéo giật khỏi đầu cái nón quai thao để chúng nhòm mặt.

 Một góc chợ tan tác vì toán lính xông tới.

 Một nhà buôn lụa kéo vội con gái, dúi đầu cô xuống sau tủ hàng.

 Và Nguyễn Thị Lộ với khăn áo đàn ông của chồng, cái quạt ve vẩy trên tay, vờ đứng trước cổng chùa Huy Văn quan sát.

 Chờ toán cấm quân đi qua rồi, Nguyễn Thị Lộ mới che quạt nửa mặt bước vào cổng chùa, thư thả như người vãn cảnh.

Gặp riêng Ngọc Dao ở sân sau chùa, Nguyễn Thị Lộ lo lắng báo tin:

- Nàng tuột khỏi tay Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Thị Anh phát cuồng. Hiện cấm quân lùng sục nàng khắp nơi chốn. Rõ ràng Nguyễn Thị Anh muốn diệt nàng bằng được để trừ hậu họa. Cho nên ta thấy không thể để nàng ở đây. Đây quá gần miệng hùm nọc rắn.

Ngọc Dao nước mắt rơi lã chã, ôm lấy Nguyễn Thị Lộ:

- Em không biết xoay trở cách nào nữa, phu nhân ơi!

Nguyễn Thị Lộ:

- Ta sẽ đưa nàng rời khỏi chốn này. Để ta tính.

Ngọc Dao:

- Xin phu nhân cho em về với mẹ em ở An Lão. Em sinh cháu ở đấy sẽ có mẹ em giúp đỡ.

Nguyễn Thị Lộ:

- Có lẽ phải. Vậy em thu xếp đêm mai ta đi.

*

Đêm. Tiếng gà eo óc lẫn trong tiếng mõ cầm canh.

Trong tư dinh của Nguyễn Trãi ở Đông Quan, trước ngọn đèn bấc khêu to, Nguyễn Trãi đang ngồi đối chiếu mấy cuốn sách thì Nguyễn Thị Lộ về. Nguyễn Thị Lộ nhẹ chân đến đứng bên chồng, vẫn trong bộ dạng một thư sinh nho nhã.

- Trời đất ơi, nàng khiến ta nóng ruột quá, đang tìm bói một quẻ dịch xem hay dở thế nào. Chuyện đến đâu rồi?

- Thái giám và cung nữ trong cung lộ cho thiếp biết Nguyễn Thị Anh nghi ngờ Ngọc Dao trốn ở các chùa đã ra lệnh cho người tới các chùa tìm kiếm. Chùa Huy Văn quá gần cung cấm nên không ai nghi ngờ. Nhưng có lẽ lâu dài không được. Thiếp đang tính phải đưa Ngọc Dao đi thật xa.

- Nàng định đưa Ngọc Dao đi đâu?

Nguyễn Thị Lộ:

- Dạ, thiếp đưa Ngọc Dao về An Lão, quê nàng. Khi nàng sinh, có mẹ nàng giúp đỡ.

Nguyễn Trãi:

- Không được. Tìm không thấy Ngọc Dao ở Đông Quan thì nhất định chúng sẽ tới tìm Ngọc Dao ở quê An Lão.

Nguyễn Thị Lộ:

- Vậy phu quân bảo phải tính sao bây giờ?

Suy nghĩ một lát lâu, Nguyễn Trãi đáp:

- Phải đưa Ngọc Dao tới chỗ nào chúng không thể tìm ra. Khi về lại Kinh Đô, ta đã cho gọi Đỗ Phu nhân, chính thất của ta về trông nhà ở Côn Sơn. Giờ nàng đưa Ngọc Dao tới đó, nhờ Đỗ phu nhân trông nom giúp. Nhưng cũng không thể ở Côn Sơn. Thị Anh nham hiểm, không trừ một thủ đoạn nào đâu, sẽ nghĩ ngay tới chuyện chúng ta chấp chứa Ngọc Dao. Phải nhờ Đỗ phu nhân đưa Ngọc Dao về tá túc tại làng biển An Bang tỉnh Quảng Ninh, nơi xưa bà Đỗ từng buôn bán, quen biết. Chỉ có thế mới lọt khỏi mắt Nguyễn Thị Anh được.
Nguyễn Thị Lộ:

- Tội cho Ngọc Dao quá. Bụng mang dạ chửa, thân gái dặm trường, liệu có sức chịu đựng không đây?
Nguyễn Trãi:

- Phải cố mà thoát cái chết rình rập quanh mình. Nàng ơi, Đỗ phu nhân là người tốt, giàu lòng nhân ái, có vậy ta mới dám giao việc này.

- Vâng, em cũng tin vào tài đức của chị cả.

- Tuy mới gặp nàng một lần, Đỗ phu nhân đã thật bụng khen phục nàng, ưng thuận trao phó việc trông nom ta ở Đông Quan cho nàng. Bởi vậy ta tin nàng đưa Ngọc Dao về, sẽ được Đỗ phu nhân tận tình giúp đỡ.
Nguyễn Thị Lộ ôm lấy chồng âu yếm:

- Việc này càng làm sớm càng tốt. Vậy đêm mai thiếp sẽ đi ngay. Vắng thiếp, xin phu quân gắng ăn ngủ cho ngon, để giữ gìn sức khỏe. Có vậy thiếp mới yên lòng ra đi.

- Việc đại sự của xã tắc nhờ tay nàng mà thành tốt đẹp. Quẻ dịch ta vừa xin cho nàng nói như thế đấy. Hãy xem đi chàng nho sinh của ta!

Ông kéo nàng vào lòng, chỉ trang sách mở trước mặt.

*

Trong cung thái giám, Tạ Thanh, Đinh Phúc, Đinh Thắng đang chuẩn bị ra đi

Đinh Phúc:

- Ai dám đụng tới lông chân Thái tử Bang Cơ mà Hoàng hậu lo lắng đến thế không biết.

Tạ Thanh:

- Xin các ngài đừng đùa với lửa. Lơ mơ với bà hoàng này không được đâu. Hoặc là giết được Ngọc Dao, hoặc là chúng ta sẽ bị mất đầu để tránh lộ chuyện. Đã là lệnh của Hoàng hậu thì cứ thế mà làm cho kỳ được.

Đinh Thắng:

- Phận ruồi muỗi, kiếp trâu bò, ai sai đâu chúng ta làm đấy. Nào, chúng ta đi. Xong xuôi cả rồi.

Ba thái giám chưa kịp ra cửa bỗng đâu một tiểu thái giám hớt hải chạy vào bẩm báo:

- Dám bẩm các thượng quan, con có một tin tức quan trọng.

Tạ Thanh véo tai chú bé.

- Con ơi, cha không có thì giờ đùa đâu nhé. Đang vội đây.

- Nhưng tin tức về bà phi Ngọc Dao cha ạ.

Lập tức Tạ Thanh ngồi thụp xuống, túm lấy chú bé.

- Vậy con nói ngay!

- Chị gái con tu ở chùa Huy Văn vừa nhắn con ra chợ để hai chị em được gặp mặt nhau. Thấy chị con mua cá chép và thịt gà, con rất lạ. Ở chùa có ai dám ăn mặn đâu. Chị con bảo vì trong chùa có một vị khách nữ ở trọ nên phải chiều đãi. Con hỏi khách ấy như thế nào. Chị con không biết rõ nhưng nói đẹp lắm, nước da trắng như ngà ngọc và không bước chân ra đến cửa phòng. Cơm cũng phải bưng vào tận mật thất.

Tạ Thanh nghi hoặc nói với Đinh Thắng, Đinh Phúc:
- Tung tích khả nghi thế hẳn là Ngọc Dao rồi.

Rồi Tạ Thanh quay xuống tiểu thái giám, dặn:

- Cấm con hé miệng với ai nữa nhé. Để chúng ta lập công với hoàng hậu.

 *

 Toán lính cấm vệ gồm năm người đi trước. Tạ Thanh, Đinh Phúc, Đinh Thắng cưỡi ngựa đi sau.

 Đến chùa Huy Văn, vượt qua sân chùa, Tạ Thanh hất hàm ra hiệu, tức thì mấy tên lính xộc ngay vào nội điện và các phòng thất.

 Một tên lính túm sư bà trụ trì chùa, đẩy tới trước mặt chủ. Tạ Thanh hách dịch quát:

- Ngọc Dao đâu? Nói đi thì ta tha cho toàn mạng.

Sư bà:

- A Di Đà phật, mới tối qua sư ông chùa Trấn Quốc viên tịch, tôi sang đó lo việc nhà chùa bên ấy. Lúc tôi vắng nhà có một người tới đưa phi Ngọc Dao đi. Giờ tôi cũng không biết Ngọc Dao ở đâu.

Đinh Phúc:

- Người đưa Ngọc Dao đi là ai?

Nhà sư:

- Tôi không biết.

Tạ Thanh:

- Có phải Nguyễn Thị Lộ không?

Nhà sư:

- Tôi có hỏi, nhưng các sãi trong chùa cũng không biết là ai?

Tạ Thanh:

- Tội giấu Ngọc Dao là tội mất đầu đó, nghe chưa.

- A Di Đà phật, cửa từ bi có bao giờ hẹp hòi với bất cứ sinh linh nào. Nhà chùa đâu có hỏi han phân biệt ai đến trú thân, ai ra đi...

Không để sư già nói hết câu, Tạ Thanh hất đầu cho bọn lính:

- Bắt, mật đưa tới Đông cung trình hoàng hậu. Nhưng trước hết phải xới tung ngôi chùa này lên tìm kiếm cho ta.

Chúng trói nghiến sư già lại, đẩy đi một cách phũ phàng.

 Tạ Thanh nói với Đinh Thắng.

- Về An Lão xem cô ta ở nhà mẹ chăng?

Đinh Phúc:

- Ngọc Dao hiền hậu thế, chắc không quảng giao. Chẳng ở nhà mẹ thì còn ở đâu.

... Đoàn cấm quân do Tạ thanh cầm đầu lại rong ruổi trên những con đường gập ghềnh về miền quê An Lão...
Tại một ngôi nhà trông khang trang, một bà già bị đẩy ra giữa sân, trong tiếng quát hỏi tục tằn.

- Có phải bà là mẹ phi tần Ngọc Dao không?

Bà mẹ đáp:

- Thưa các ông, tôi là mẹ Ngọc Dao đây ạ.

Đinh Phúc:

- Cho chúng tôi gặp bà phi.

Mẹ Ngọc Dao:

- Cháu nó đang ở trên Đông Quan, ở trong cung ạ.

Tạ Thanh đứng trước mặt bà vờ dịu giọng:

- Ơ kìa, nhà vua cho bà phi về thăm nhà mà.

Mẹ Ngọc Dao:

 Vậy chưa thấy cháu về ạ

Tạ Thanh trở mặt quát cấp dưới:

- Bà cụ nói láo, vào lục nhà.

Cả năm tên lính xông vào lục lọi trong nhà. Mẹ Ngọc Dao bị giữ ở ngoài sân bủn rủn kêu khóc. Hàng xóm túa đến nhưng mọi người chỉ dám đứng xa xa ngó vào...

 *

Trong cung, hoàng hậu Nguyễn Thị Anh ngồi trên ngai sơn son thiếp vàng. Tạ Thanh, Đinh Phúc, Đinh Thắng đứng chầu chung quanh.

Tạ Thanh:

- Dạ tâu lệnh bà, chúng tôi đã lục tìm khắp chùa Huy Văn và làng An Lão, không thấy một dấu vết nào của phi tần Ngọc Dao cả.

Nguyễn Thị Anh nghiến răng:

- Các ông chỉ là đồ ăn hại. Đã lần ra dấu vết nó ở chùa Huy Văn mà còn để xổng. Tội đáng chết. Sư bà chùa Huy Văn không chịu được khảo tra đã khai trước khi chết rằng người đưa đón Ngọc Dao chính là bà Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ chứ ai. Tiếc rằng bà cụ chết ngay lập tức nên khẩu cứ vô bằng... Hơn nữa việc truy tìm Ngọc Dao ta cũng phải kín nhẽ với nhà vua... Nhưng biết ngay mà, nhúng tay vào vụ này ngoài Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ thì còn ai nữa. Gớm thật!

- Vâng, xem ra cái gai độc ấy càng ngày càng nguy hiểm, tâu lệnh bà.

Nguyễn Thị Anh nói với mình:

- Định chống ta à? Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ơi, ta nhất định sẽ cho vợ chồng bay biết Nguyễn Thị Anh này là thế nào. Đợi đấy.

*

Tại sân ngôi nhà của Nguyễn Trãi tại Côn Sơn, chính thất Đỗ phu nhân đang rê chân đảo thóc phơi cùng một cô ở gái. Thóc với nắng cứ vàng rực cả khu sân gạch.

Chợt cô tớ gái ngẩng lên che mắt nhìn qua ngõ, kêu lên:

- Bà ơi, có ai tới nhà ta kìa. Cháu trông người đi đầu cứ như... óng ả cứ như bà tư nhà ta, bà Lễ nghi Học sĩ ấy thôi.

Đỗ phu nhân cũng nghểnh đầu nhìn.

- Không phải đâu con ơi. Nếu đúng bà ấy thì phải có kiệu rước võng lọng chứ. Nhưng... nhưng...

Ngẩn ra một chút Đỗ phu nhân bỗng cuống quýt phủi quần áo, rền rĩ:

- Giời ơi, đúng bà ấy rồi. Nhưng sao lại đi bộ thế kia. Khéo lại bị truất biếm gì chứ chẳng chơi.

Phu nhân chạy trước, cô ở gái chạy theo sau, cả hai ra cổng đón.

Nguyễn Thị Lộ cùng Ngọc Dao áo tứ thân, thắt lưng tơ tằm, váy lĩnh đen như hai phụ nữ bình dân, tay nải khoác vai, tươi cười xuất hiện. Tới trước Đỗ phu nhân, Nguyễn Thị Lộ đon đả vái chào:

- Em kính chào phu nhân. Thật là mong mỏi bao ngày giờ mới có dịp vái lạy.

Đỗ phu nhân cảm động đỡ tay Nguyễn Thị Lộ nhìn tận mặt, rớm nước mắt trả lời:

- Em ơi, chị em lâu nay ao ước gần gụi một nhà, em đừng khách khí khiến chị tủi thân. Em không chê chị quê mùa, giữ lễ chị em, chị thật muôn phần cảm kích. Nhưng phu quân ta và em trên kinh đô có chuyện chi đến nỗi em phải đường trường đi bộ về đây thế này?

Nguyễn Thị Lộ còn chưa biết trả lời sao thì Ngọc Dao đã thi lễ:

- Em kính chào phu nhân. Được nghe bà Lễ nghi Học sĩ suốt dọc đường kể về lòng khoan dung nhân hậu của phu nhân mà em ngưỡng mộ quá.

Đỗ phu nhân vội chìa tay mời:

- Được rồi. Ta hãy vào nhà đã các em.

Trong nhà không mấy thay đổi kể từ ngày vợ chồng Nguyễn Trãi lên kinh đô. Đỗ phu nhân mời mọi người ngồi vào bàn tiếp khách mà cô đầy tớ vừa kịp pha trà rót nước. Chờ cô đầy tớ lui ra ngoài, Nguyễn Thị Lộ mới giới thiệu Ngọc Dao:

- Thưa chị, tướng công nhà chúng ta vẫn khỏe, nhưng người cậy em về tận nhà để trao phó một trọng trách thật nặng nề cho chị, vì người biết chỉ nhờ có tấm lòng trời biển của chị mới làm được.

- Phu quân trao việc gì cho ta là có ý cả. Vậy em nói rõ xem.

- Thưa chị đây là thứ phi Ngọc Dao, vợ của nhà vua Lê Thái Tôn...

Mới nghe thế Đỗ phu nhân vội đứng dậy vái chào:

- Xin nương nương tha tội, tôi không biết trước để lấy lễ cung kính với nương nương.

Ngọc Dao vội đứng dậy đỡ tay Đỗ phu nhân:

- Ôi, xin phu nhân coi em như em gái trong nhà, được vậy cũng đã vạn phúc.

Nguyễn Thị Lộ đợi hai người ngồi xuống mới nói tiếp:

- Nhưng Ngọc Dao đang mắc nạn, nàng sẽ thưa chuyện với chị cặn kẽ sau. Giờ chỉ trông cậy nương nhờ vào sự tháo vát của phu nhân, đưa nàng đi tới vùng đất biển An Bang chờ ngày sinh nở.

- An Bang... Phải rồi, tướng công vẫn chưa quên ngày ta tần tảo ở đó ư...

Phu nhân mơ màng nói.

 *

Trong điện Kính Thiên. Có nhà vua, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Tạ Thanh, Lương Đăng, Nguyễn Thúc Huệ. Sáu người quỳ làm hai hàng trước mặt nhà vua.

Vua Lê Thái Tôn:

- Định ra lễ nhạc cho triều đình là việc quan hệ tới sự hưng thịnh của xã tắc. Nghe lễ nhạc một nước biết được nước ấy đang hưng thịnh bền vững hay suy yếu. Vì vậy ta triệu các khanh đến đây để cùng bàn. Ta định giao việc này cho Nguyễn Trãi tiên sinh và cho chưởng ấn Lương Đăng, các khanh thấy được không?

Nguyễn Trãi:

- Tâu thánh thượng, sách lễ ký nói rằng: “Cứ gõ kêu thạch đá lên mà nghe là có thể thấu lòng kẻ sĩ”. Kể ra thời loạn chuộng võ, thời bình chuộng văn, nay đúng là lúc nên soạn lễ nhạc cho dân con hưởng. Song nhạc mà không có gốc thì không đứng được, không có văn cũng không truyền được. Lòng dân chuộng sự thái hòa chính là gốc của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức. Nhưng xin bệ hạ yêu thương muôn dân, để cho làng xóm không đâu có tiếng oán giận, đó là không mất cái gốc của nhạc vậy.

Lương Đăng:

- Tâu thánh thượng, thần cho rằng lễ nghi nhà Minh đã được chọn lọc qua các đời trước đó, đủ để chúng ta phải tin cậy là tinh hoa thiên hạ. Ta muốn làm lễ nhạc, cần gì phải tác chế, cứ lễ nhạc nhà Minh, chỉ thêm bớt một chút cho hợp với nước nhà là ta có lễ nhạc rồi.

Nguyễn Trãi:

- Xin ông Chưởng ấn nhớ rằng Hoàng thượng sai chúng ta sáng chế lễ nhạc nước ta, chứ không phải học đòi lễ nhạc nhà Minh.
Lương Đăng:

- Vâng, thưa ông hành khiển, không học đòi đâu ạ, chỉ theo sát phần nào thôi. Vả lại người ta hay hơn mình, tại sao mình không bắt chước.

Nguyễn Trãi:

- Tôi đâu cố chấp đến mức khuyên ông nhắm mắt bịt tai đối với cái hay của thiên hạ. Ai hay thì mình học chứ. Nhưng trước hết phải xem mình có gì hay không, và mình còn khiếm khuyết ở chỗ nào, mới tìm cái hay của thiên hạ để bù vào chỗ dở của mình.

Nguyễn Mộng Tuân:

- Tâu thánh thượng, thực tế lâu nay dân tộc ta áo mũ thì dùng gấm vóc vải lụa trong nước, nhạc khí thì dùng sáo tre, khánh đá, da bò, da ếch, trống đồng, dây tơ. Riêng trong triều có nhã nhạc và dân chúng có tục nhạc, chủ yếu thừa kế các triều đại trước đây ở trong nước. Vậy nên chỉ cần sửa đổi và nâng cao cho hay ạ.

Lương Đăng:

- Tôi thấy mũ áo, triều phục của ta không lộng lẫy bằng của nhà Minh, chúng ta đang gắng làm theo. Thì nhạc cũng vậy. Nhạc ta sơ sài quá. Vậy tại sao ta không theo nhạc nhà Minh?

Lý Tử Tấn:

- Tâu bệ hạ, sáng chế ra lễ nhạc tất phải chọn được người hiền tài mới giao cho làm. Lương Đăng làm giám thị, gần vua thì cho chức chưởng ấn trông coi việc phép, nhận giấy tờ, coi giữ con dấu. Lương Đăng biết gì về âm nhạc. Giao cho Lương Đăng minh định lễ nhạc thật là không phải lẽ.

Lương Đăng:

- Thần vốn không có học thức, không hiểu rõ quy chế đời xưa. Nay bệ hạ tin giao, có làm được cũng chỉ do sơ kiến của thần mà thôi. Còn thi hành hay không là quyền ở bệ hạ, thần đâu dám lộng hành.

Lý Tử Tấn:

- Không có học mà cứ làm liều bằng sở kiến của mình thì chỉ có phá hoại thiên hạ.

Lương Đăng nổi đóa:

- Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước.

Nguyễn Trãi:

- Tâu thánh thượng, thần được giao cùng chưởng ấn Lương Đăng soạn lại nhã nhạc, nhưng rất tiếc sơ kiến của thần không giống sơ kiến Lương Đăng nên thần xin không dám tuân chỉ.

Vua Lê Thái Tôn:

- Thôi được, trẫm thăng chức cho Lương Đăng từ chưởng cơ lên chức Đô giám ở lễ bộ chuyên coi về lễ nhạc. Khanh đừng phụ lòng tin của trẫm.

Tất cả ngơ ngác chỉ có Lương Đăng che tay áo rộng mỉm cười đắc ý.

(Số sau đăng tiếp)

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thảm án Lệ Chi Viên (Phần 1)<BR><I>Truyện phim của Đoàn Lê, Nguyễn Quang Hà, Dạ Thảo</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO