Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Căn cứ theo Điều 613, Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 613. Người thừa kế
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Theo đó, trường hợp con chưa sinh ra, thai nhi đã thành thai trước khi người để lại di sản chết thì vẫn được hưởng di sản thừa kế theo quy định.
Thai nhi được hưởng di sản thừa kế trong trường hợp nào?
a. Hưởng di sản thừa kế theo nội dung di chúc
- Trường hợp di chúc hợp pháp có đề cập đến việc hưởng thừa kế của con chưa sinh ra, thai nhi thì phải thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc.
- Trường hợp di chúc hợp pháp nhưng không đề cập đến việc hưởng thừa kế của con chưa sinh ra, thai nhi hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật về người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc cụ thể tại Điều 644, Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chú
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
[…]”
Như vậy, trường hợp người để lại di chúc không đề cập về việc hưởng thừa kế của con chưa sinh ra, thai nhi hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất của một người thừa kế thì thai nhi sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.
b. Hưởng di sản thừa kế theo quy định pháp luật
Trường hợp người chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được phân chia cho các hàng thừa kế theo pháp luật, được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 cụ thể:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà
người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
[…]”
Đồng thời, tại khoản 1, Điều 660, Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật
1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.”
Ngoài ra, trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì khi phân chia di sản thừa kế sẽ áp dụng quy định về Thừa kế thế vị như sau:
“Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”.
Như vây, con chưa sinh ra, thai nhi đã thành thai trước khi người để lại di sản chết vẫn có quyền được hưởng di sản thừa kế. Đồng thời, tùy theo từng trường hợp mà con chưa sinh ra, thai nhi có thể sẽ được thừa kế phần di sản theo nội dung di chúc/ được thừa kế 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật hoặc được thừa kế phần di sản bằng với những người cùng hàng thừa kế khác theo quy định.