Báo cáo của tỉnh Thái Nguyên tại cuộc làm việc cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn từ đầu năm đến nay có nhiều khởi sắc. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 7,15% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 45.145,7 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ, bằng 59,8% kế hoạch năm; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 17,6 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ và đạt 60,1% kế hoạch năm 2024.
Việc triển khai các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản được UBND tỉnh thực hiện đúng quy định. Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đang triển khai Dự án đường dây và TBA 500kV Thái Nguyên, UBND tỉnh đã chỉ đạo bố trí quỹ đất, phê duyệt hướng tuyến, chấp thuận phương án hướng tuyền đường dây 500kV (đoạn đi qua địa phận Thái Nguyên), vị trí trạm biến áp 500kV và hướng tuyến đường dây 220kV Thái Nguyên.
Trao đổi với Đoàn công tác, tỉnh Thái Nguyên kiến nghị, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nội dung: Trạm biến áp 220kV Phú Bình 2 và đường dây 220kV Phú Bình 2 rẽ Thái Nguyên - Bắc Giang có tiến độ vận hành vào giai đoạn 2025 - 2030; cho phép điều chỉnh vị trí các cụm công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh bị chồng lấn, nằm trong diện tích quy hoạch mỏ đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể năng lượng và Quy hoạch khoáng sản; cho phép điều chỉnh vị trí các CCN có điều kiện thu hút đầu tư đối với diện tích công nghiệp được phân bổ trong quy hoạch tỉnh từ các địa phương khó triển khai…
Theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành liên quan đã được phê duyệt. Hiện, tỉnh đang tổ chức quản lý có hiệu quả và hướng dẫn thực hiện đúng các quan điểm, định hướng của quy hoạch tỉnh.
Tỉnh đã quy hoạch 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245ha; 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha, 13 sân golf. Hiện, đã có 6 khu công nghiệp được thành lập; trong đó 5 khu công nghiệp đang duy trì hoạt động ổn định.
Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3.2024 với tổng mức đầu tư 3.985,47 tỷ đồng; có 27/41 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó có 11 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Trong quy hoạch tỉnh, cũng có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực công thương như điện, xăng dầu, khoáng sản, thị trường, logistics…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã khai thác, phát huy khá tốt các tiềm năng, thế mạnh của mình để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và nổi lên là cực tăng trưởng mới của cả nước, đứng đầu các tỉnh trong vùng và đứng thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng mà tỉnh có thế mạnh gắn với tận dụng lợi thế, thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và chú trọng xử lý vấn đề môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI trong quá trình đầu tư, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh và khu vực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.
Trong lĩnh vực thương mại, cần hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, nhất là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.