Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân là trên hết, trước hết, trên tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự cho người bị thiệt mạng (nếu có).
Khẩn trương tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Kiểm tra, rà soát, thống kê, đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng của Nhà nước, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp) trước 14 giờ ngày 12.9.2024; chủ động huy động các nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu. Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.
Chỉ đạo tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp, không để xảy ra thiếu nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm 2024 và tết Nguyên đán.
Đồng thời, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, hàng cứu trợ,... cho người dân vùng còn bị chia cắt; hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.
Sở Y tế chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp đầy đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa, lũ.
Sở Công Thương thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao, chỉ đạo Công ty điện lực Thái Nguyên và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện bảo đảm cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, trong đó ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng; có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Sở GD-ĐT chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; vận động toàn ngành, toàn tỉnh hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông trọng yếu phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời đảm bảo giao thông an toàn. Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về truyền thông, báo chí, chỉ đạo các đơn vị viễn thông bảo đảm sóng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của Nhân dân.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời hỗ trợ người dân theo quy định của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp; tham mưu UBND tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ người dân có nguy cơ bị thiếu đói trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 4206/BLĐTBXH-CBTXH ngày 10.9.2024, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập theo quy định.
Các sở, ban, ngành, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh căn cứ nhiệm vụ, chủ động tổ chức kiểm tra thực hiện phương án, công tác ứng phó, khắc phục với mưa, lũ, ngập lụt; kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế mưa, lũ và theo đúng quy định hiện hành.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, ngập lụt; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo lũ cho các cơ quan chức năng để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng, kịp thời đưa tin về diễn biến mưa, lũ, ngập lụt đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động phòng tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra.