Cụ thể, lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng trưởng 24,73%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,84%; sản xuất xe có động cơ tăng 43,16%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 29,46%...
Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh Thái Nguyên ước tăng 7,63% so với cùng kỳ. Đây cũng là giai đoạn 8 tháng có chỉ số IPP cao thứ 2 trong vòng 5 năm trở lại đây (chỉ thấp hơn mức tăng 11,78% của năm 2022).
Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, như: Sản phẩm điện tử đạt 200,5 triệu chiếc, tăng 22,8% so với cùng kỳ; điện thương phẩm đạt 4.363,6 triệu kWh, tăng 15,8%; nước máy thương phẩm đạt 29,4 triệu m3, tăng 24,4%...
Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là: Tái cơ cấu ngành công nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành, góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh và xây dựng thành công Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Mục tiêu cụ thể là tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân thời kỳ 2021-2030 của ngành công nghiệp đạt 9%/năm (không kể Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao Samsung là 12,03%/năm); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,91% (không kể Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao Samsung là 12,37%/năm).
Trong cơ cấu GRDP của tỉnh năm 2030, ngành công nghiệp chiếm 57% (không kể Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao Samsung là 42,38%); của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 50% (không kể Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao Samsung là 33%).
Về định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp, tỉnh tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo chiều sâu, chuyển từ số lượng sang chất lượng, nâng cao trình độ công nghệ và năng suất lao động. Ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng phát thải các bon thấp, tuần hoàn xanh, sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu net-zero carbon vào năm 2050.
Về không gian phát triển công nghiệp, Thái Nguyên xác định khu vực phía Nam gồm 3 TP: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và huyện Phú Bình gắn với không gian công nghiệp công nghệ cao liên vùng (Thủ đô Hà Nội - Vĩnh Phúc - Thái Nguyên - Bắc Giang - Bắc Ninh). Khu vực này ưu tiên phát triển các cụm ngành công nghiệp điện, điện tử, cơ khí chế tạo và các ngành công nghệ cao khác.
Khu vực phía Tây bao gồm 3 huyện: Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ và khu vực phía Đông gồm 2 huyện: Võ Nhai, Đồng Hỷ định hướng chung phát triển các cụm ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến nông, lâm thủy sản, các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn…