Nhờ vậy, chỉ số đào tạo lao động là 1 trong 10 chỉ số thành phần PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục duy trì ở thứ hạng cao, đứng thứ 5 toàn quốc với 6,98 điểm.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Nguyên Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Thái Nguyên đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ; nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 43 cơ sở GDNN được cấp phép hoạt động. Thái Nguyên đã tạo việc làm tăng thêm cho 25.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đã thực sự được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp sát thực tế, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 của tỉnh Thái Nguyên tăng bậc.
Cũng theo bà Hương, ngành lao động tỉnh đã tích cực tham mưu các cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động đối với các dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích thu hút đầu tư vào tỉnh. Chủ trì xây dựng các thủ tục và điều kiện thành lập, hoạt động đối với các tổ chức đào tạo nghề ngoài công lập, tham mưu các giải pháp hỗ trợ tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước, các tổ chức xã hội tham gia đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lao động, cung ứng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển của tỉnh. Đây là những giải pháp hết sức thiết thực nhằm nâng cao Chỉ số đào tạo lao động của Thái Nguyên trong thời gian tới.
Cùng với đó, công tác giáo dục nghề nghiệp đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai tốt và đồng bộ tại từng huyện, từng xã. Có thể kể tới như huyện Phú Bình, huyện có khoảng 93.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm gần 60% dân số). Trong đó, lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ 72,3% (tăng 2,3% so với năm 2021); lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 30,9%.
Để tạo việc làm cho lao động địa phương, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã liên kết với các trung tâm, trường dạy nghề, doanh nghiệp… trong và ngoài tỉnh tổ chức 30 lớp, đào tạo các nghề: Chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp, sử dụng thuốc thú y… cho trên 1.000 người lao động. Đồng thời, phối hợp các xã, thị trấn tuyên truyền chính sách về lao động, giáo dục hướng nghiệp để người dân được biết và tham gia học nghề…
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phát triển nhân lực
Theo đánh giá của VCCI được công bố vào tháng 9.2022, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh Thái Nguyên có chất lượng tốt đạt 72%, cao hơn trung bình cả nước; tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt đạt 64%, tăng 15% so với năm 2020, thuộc nhóm cao trong cả nước; 94% lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN. Việc mở rộng quy mô GDNN cần phải có sự đổi mới toàn diện, có những đột phá về cơ cấu và chất lượng đào tạo; xây dựng hệ thống GDNN theo hướng hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững. Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc tỉnh, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ cấp quốc gia và quốc tế.
Bà Hương nhấn mạnh, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của kế hoạch là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, (có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%); phấn đấu thu hút 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%; ít nhất 30% cơ sở GDNN và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia; phấn đấu có 1 trường cao đẳng của tỉnh đạt chất lượng cao; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực GDNN.
Đặc biệt, việc Thái Nguyên đang ngày một được sự quan tâm và đầu tư của các tập đoàn quốc tế trong các lĩnh vực điện tử, điện lạnh, công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo ra cơ hội lớn để các cơ sở GDNN kết nối, phối hợp đào tạo nhằm tạo ra những thế hệ lao động chất lượng cao, phù hợp với su thế phát triển.
Chất lượng GDNN được nâng cao, ngoài ý nghĩa bảo đảm đủ nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, còn làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho lao động trẻ. Qua đó, tạo nên một thế hệ năng động, sáng tạo, có tác phong công nghiệp phù hợp với thời đại 4.0. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ mà Kế hoạch phát triển GDNN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hướng đến.