Theo Công báo Hoàng gia, Vua Maha Vajiralongkorn đã ký phê chuẩn luật mới vào 23.9. Luật này sẽ có hiệu lực sau 120 ngày, nghĩa là các cặp đôi LGBTQ+ sẽ có thể đăng ký kết hôn vào tháng 1 năm sau.
Các nhà hoạt động ca ngợi động thái này là một "bước tiến to lớn", khi Thái Lan trở thành chính quyền thứ ba ở châu Á, sau Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal; và là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á cho phép các cặp đôi đồng giới kết hôn hợp pháp.
Luật này, được cả Hạ viện và Thượng viện Thái Lan thông qua vào tháng 4 và tháng 6 vừa qua, trao toàn bộ quyền pháp lý, tài chính và y tế cho các cặp đôi kết hôn thuộc bất kỳ giới tính nào. Luật sử dụng các thuật ngữ trung lập về giới tính thay cho “nam”, “nữ”, “chồng” và “vợ”, đồng thời trao quyền nhận con nuôi và quyền thừa kế cho các cặp đôi đồng giới.
Sự chấp thuận chính thức của nhà vua đánh dấu thành công sau nhiều năm những nỗ lực vận động nhằm thông qua Luật Hôn nhân bình đẳng bị cản trở.
Waaddao Chumaporn, một người ủng hộ quyền cho cộng đồng LGBTQ, chia sẻ với hãng thông tấn AFP rằng: "Đạo luật là một bước tiến to lớn hướng tới quyền bình đẳng ở Thái Lan". Cô có kế hoạch tổ chức một đám cưới tập thể cho hơn một nghìn cặp đôi LGBTQ+ tại Bangkok vào ngày 22.1, ngày đầu tiên Luật có hiệu lực.
"Tất cả chúng tôi đều vui mừng và phấn khích. Chúng tôi đã đấu tranh cho quyền lợi của mình trong hơn 10 năm và giờ đây cuối cùng điều đó cũng đã xảy ra", Siritata Ninlapruek, một nhà hoạt động LGBTQ, nói với AFP, giọng run rẩy vì hạnh phúc.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã đăng lời chúc mừng trên nền tảng mạng xã hội X với lời nhắn “vì tình yêu thương của tất cả mọi người”. “Cảm ơn sự ủng hộ của mọi thành phần trong xã hội. Đây là cuộc chiến chung của tất cả mọi người”, nữ Thủ tướng viết với hashtag #LoveWins (tình yêu chiến thắng).
Thái Lan từ lâu đã nổi tiếng trên thế giới về thái độ khoan dung đối với cộng đồng LGBTQ. Các cuộc thăm dò ý kiến được truyền thông địa phương đưa tin cho thấy công chúng ủng hộ mạnh mẽ hôn nhân bình đẳng.
Tuy nhiên, phần lớn vương quốc châu Á này vẫn giữ các giá trị truyền thống và bảo thủ, và cộng đồng LGBTQ cho biết họ vẫn phải đối mặt với rào cản và sự phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày.
Hơn 30 quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân cho tất cả các đối tượng, kể từ khi Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới vào năm 2001.
Trong khi đó, năm ngoái, Tòa án Tối cao của Ấn Độ đã yêu cầu Quốc hội hoãn thông qua một quyết định tương tự, trong khi Tòa án Tối cao Hong Kong (Trung Quốc) cũng quyết định chưa cấp quyền hôn nhân đầy đủ cho tất cả mọi người.
Các nhà hoạt động Thái Lan đã đấu tranh cho quyền kết hôn đồng giới trong hơn một thập kỷ, tuy nhiên hoạt động của họ bị đình trệ do tình hình chính trị bất ổn ở một đất nước thường xuyên xảy ra đảo chính và biểu tình đường phố.