Thái Bình “oằn mình” chống chọi với biến đổi khí hậu
(ĐBNDO) - Là tỉnh có 54km đường bờ biển và nông nghiệp là ngành chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, những năm gần đầy Thái Bình luôn phải “oằn mình” chống chọi với những diễn biến khôn lường của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tác động của BĐKH làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất một số loài và ngược lại xuất hiện các loại côn trùng, sâu bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp...
Hậu quả “nhãn tiền”
Căn cứ vào kịch bản BĐKH mà Trung tâm tư vấn Khí tượng Thủy văn và Môi trường xây dựng cho kịch bản về nước biển dâng cho tỉnh Thái Bình, nếu mực nước biển dâng 50 cm thì diện tích đất có nguy cơ ngập lụt trên địa bàn Thái Bình là 11,8% diện tích toàn tỉnh và nếu mực nước biển dâng lên 100 cm thì sẽ có khoảng 31,4% diện tích tỉnh có nguy cơ bị ngập lụt. Sự gia tăng dân số trong khi diện tích đất lại giảm đi thực sự là thách thức to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Các vùng đất ngập nước ven biển như huyện Tiền Hải, Thái Thụy sẽ chịu tác động của BĐKH, nước biển dâng, thiên tai, bão, lũ gia tăng làm tăng hiện tượng xói lở bờ biển, bồi tụ, cát di động… ảnh hưởng đến khả năng khai thác cát đen ở vùng cửa sông trên địa bàn tỉnh như sông Hồng, sông Trà Lý và các cồn cát ven biển trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Đặc biệt, BĐKH làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất một số loài và ngược lại xuất hiện các loại côn trùng, sâu bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Thực tế, trong thời gian 2 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Thái Bình, dịch rầy nâu, vàng lùn, xoắn lá, sâu đục thân, sâu quấn lá nhỏ cũng đã phát sinh thành dịch gây thiệt hại nặng nề đến năng suất và làm tăng chi phí sản xuất của nông dân.
Hay đơn cử, nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm sú giới hạn trong khoảng 25 - 32 độ C, nếu nhiệt độ cao hơn 32 độ C hoặc thấp hơn 25 độ C thì sự phát triển của tôm sẽ bị ảnh hưởng như tôm chậm lớn, thậm chí chết hàng loạt nếu nhiệt độ tăng - giảm đột ngột. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thái Bình dịch bệnh gia súc, gia cầm đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi như bệnh cúm gia cầm, bệnh dại, liên cầu khuẩn ở lợn, tai xanh, lở mồm long móng… Tác hại của BĐKH vô cùng phức tạp và gây hậu quả “nhãn tiền” đối với vùng “quê lúa”.
Nhận thức và mục tiêu hành động
Một loạt các dự án trồng rừng ngập mặn đã được Thái Bình triển khai có hiệu quả như Chương trình 372, Dự án 5 triệu ha rừng, Dự án PAM 5325… Mỗi năm toàn tỉnh trồng được từ 300 - 400 ha rừng, nâng diện tích rừng của tỉnh lên 7.000ha, góp phần tạo vành đai bảo vệ đê biển khi có bão, triều cường. Tỉnh triển khai xây dựng, khép kín trên 62 km đê biển; quy hoạch, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khu dự trữ sinh quyển vùng biển huyện Tiền Hải, vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy, khu vực cồn Vành, cồn Ðen. Năm 2014, dự án xây dựng hệ thống các khu neo đậu tàu tránh trú bão tại xã Mỹ Lộc huyện Thái Thụy và dự án Nâng cấp hệ thống đê biển tỉnh Thái Bình được triển khai và hoàn thành. |
Nhận thức rõ rệt những hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của BĐKH, gây hậu quả nặng nề mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội toàn tỉnh, công tác ứng phó biến đổi khí hậu được Thái Bình dốc sức “ra quân” với phương châm chủ động, khôn khéo, linh hoạt.
Công tác ứng phó BĐKH của tỉnh Thái Bình được thực hiện bắt đầu từ năm 2010 và ngày càng được đầu tư, triển khai mạnh mẽ với các chỉ đạo của trung ương. Theo ông Nguyễn Văn Nhã - Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình cho hay, công tác ứng phó với BĐKH của tỉnh nhằm trọng tâm vào 4 hành động cụ thể.
Một là, thích ứng với BĐKH, chủ động ứng phó với thiên tai và nước biển dâng, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh về nước, củng cố đê sông, đê biển, chống xâm nhập mặn, bảo vệ vùng ven biển, thích ứng và ứng phó với bão, lũ lụt.
Hai là, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia và mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh, phát triển nền kinh tế theo hướng cac-bon thấp.
Ba là, tăng cường năng lực quản lý về biến đổi khí hậu, hoàn thiện cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức trong ứng phó với BĐKH; nâng cao nhận thức cộng đồng.
Bốn là, triển khai các hoạt động khoa học công nghệ làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách về BĐKH, đánh giá tác động, xác định các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH.
Vị đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình khẳng định, công tác ứng phó với BĐKH của tỉnh được triển khai từng bước qua các dự án cụ thể và thu về kết quả tích cực.
Lồng ghép biện pháp
Đạt kết quả bước đầu, song công tác triển khai các dự án còn gặp khó khăn thách thức, chủ yếu về nguồn lực tài chính do việc thực hiện các dự án cần nguồn lực tài chính rất lớn. Tuy nhiên, Thái Bình là tỉnh nghèo nên nguồn kinh phí thực hiện công tác ứng phó với BĐKH chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn trung ương, vốn đối ứng địa phương còn hạn chế.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác ứng phó BĐKH, Thái Bình đang tiếp tục triển khai các dự án phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn, kiên cố hệ thống hóa đê biển, cải tạo các công trình dưới đê.
Đặc biệt, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức người dân, phấn đấu hết năm 2015 có 80% hộ gia đình có người hiểu biết cơ bản về BĐKH; khuyến khích, khen thưởng các điển hình tốt.
Xây dựng và thực hiện lồng ghép nội dung về ứng phó với BĐKH vào chương trình giảng dạy trong trường học; đến năm 2015 có trên 60% trường học tổ chức các hình thức lồng ghép kiến thức cơ bản BĐKH vào giảng dạy và các hoạt động sinh hoạt ngoại khoá, vẽ tranh, viết báo trường, các hội thi…
Xây dựng nông thôn mới gắn liền với bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; vận động người dân sử dụng tiết kiệm năng lượng, trồng cây xanh; xử lý chất thải sinh hoạt gia đình hợp vệ sinh; giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính; có 80% hộ gia đình có người hiểu biết về BĐKH.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ: bảo tồn được giống cây trồng, vật nuôi bản địa; bình tuyển, lai tạo được giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao chịu được khô hạn, xâm nhập mặn do tác động BĐKH; ứng dụng và triển khai một số công nghệ mũi nhọn cho thích ứng với BĐKH.