Thị trường xuất khẩu lớn thứ 11 của rau quả Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2023. Các mặt hàng tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước gồm: dứa (tăng 184,6%), nhãn (tăng 112,6%), sầu riêng (tăng 50,4%), dừa (tăng 48,9%); riêng xuất khẩu thanh long tiếp tục giảm 19,7%.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng qua đạt 2,4 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 64,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Vị trí thứ hai là thị trường Hoa Kỳ, với kim ngạch trong 7 tháng qua đạt 189,4 triệu USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 4,9%. Tiếp đến là thị trường EU (138,5 triệu USD), Thái Lan (122,2 triệu USD)…
Nhìn chung, xuất khẩu rau quả sang các thị trường đều tăng trưởng trên hai con số. Đáng chú ý, thị trường Đức tăng 118,7%; Thái Lan tăng hơn 70%; Canada tăng hơn 56%...
Xuất khẩu rau quả sang Canada thời gian qua có sự tăng trưởng một phần quan trọng bởi các doanh nghiệp đã phát huy lợi thế của Hiệp định CPTPP. Hiện, Canada là thị trường đứng thứ 11 của xuất khẩu rau quả từ Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2019 - 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng trưởng, từ 25,9 triệu USD lên 48,1 triệu USD, bất chấp kinh tế Canada đối mặt với nhiều khó khăn.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Canada tiếp tục tăng mạnh, đạt 32,3 triệu USD, tăng 61,83% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Công Thương đánh giá, nhìn chung, Canada là thị trường tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam, trong khi thị phần hàng rau quả của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada vẫn ở mức thấp.
Dẫn số liệu thống kê, Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2023, thị phần hàng rau quả (mã HS 07, 08, trừ hạt điều) của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada dù đã cải thiện song vẫn ở mức thấp, mới đạt 0,5% vào năm 2023. Riêng mặt hàng sầu riêng tươi của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada đã tăng mạnh, từ 11% năm 2019 lên 84% vào năm 2023.
Trong khi đó, cùng giai đoạn, nước này tăng nhập khẩu hàng rau quả từ mức 8,1 tỷ USD vào năm 2019 lên 9,28 tỷ USD vào năm 2023. Điều đó cho thấy, nếu tận dụng được cơ hội, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu rau quả, trong đó có các mặt hàng chủ lực.
Doanh nghiệp cần lưu ý quy định mới về dư lượng Abamectin
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương, ngày 26.6.2024, Cơ quan quản lý dịch hại của Bộ Y tế Canada đã ban hành dự thảo thông báo về Giới hạn dư lượng tối đa được đề xuất đối với Abamectin (PMRL2024-13). Abamectin là một loại thuốc trừ sâu hiện nay được đăng ký sử dụng trên hoa và nhiều loại trái cây, rau quả.
Theo dự thảo này, những thay đổi trong giới hạn dư lượng tối đa được đề xuất (MRL) được đề xuất theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và Hoa Kỳ nhằm hài hòa luật pháp Canada với các tiêu chuẩn quốc tế; áp dụng cho việc mua bán chè, hoa quả, rau củ. Giới hạn dư lượng tối đa đối với cà rốt, ngô ngọt, dứa, ổi, đu đủ, vải thiều, chè và lá hẹ khô đang được xem xét. MRL được khuyến nghị trong trà là 1ppm, ổi và dứa là 0,015ppm, trái cây nhiệt đới và cận nhiệt đới là 0,01ppm.
Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi xem xét tất cả các ý kiến được gửi trong vòng 75 ngày kể từ ngày ban hành dự thảo.
Nếu đề xuất giới hạn dư lượng tối đa của Abamectin được thông qua, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tới thị trường Canada cần đặc biệt lưu ý tới các biện pháp kiểm soát giới hạn dư lượng tối đa Abamectin.
Cùng với đó, các chuyên gia lưu ý, đối với các sản phẩm rau củ quả nói chung và rau củ mùa vụ nói riêng, Canada hoàn toàn tuân thủ theo quy định chung của thế giới về vấn đề tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do vậy, để có thể thâm nhập và tiến sâu hơn vào Canada, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây và rau củ của Việt Nam cần phải tuân thủ những quy định sẵn có của thị trường này. Các doanh nghiệp cũng phải tuân thủ tiêu chuẩn liên quan đến dư lượng phụ gia, chất bảo quản, dư lượng hóa chất được cho phép trên rau củ… Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin để đáp ứng kịp thời yêu cầu từ thị trường tiềm năng này.