Thách thức mới, cơ hội mới

Thanh Hà 25/03/2017 08:09

Lễ hội không chỉ là “tấm gương” phản chiếu văn hóa dân tộc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hóa dân tộc ấy. Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, việc ứng xử với lễ hội truyền thống đang đặt ra những thách thức và cả cơ hội mới.

8 vấn đề liên quan đến biến đổi lễ hội

Theo thống kê, mỗi năm, cả nước có gần 8.000 lễ hội, phân bố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó tại vùng đồng bằng Bắc Bộ là nhiều nhất. Lễ hội có vai trò không nhỏ trong đời sống văn hóa của người Việt. Những năm gần đây, trong bối cảnh CNH - HĐH, hội nhập quốc tế của nước ta, văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có lễ hội đã được phục hồi và phát huy, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người Việt Nam. Tuy nhiên, cá biệt tại một số lễ hội có những hình ảnh cướp lộc, cướp phết, ném lộc, hiện tượng cờ bạc... hay thương mại hóa nhằm trục lợi, để lại những tiếc nuối, day dứt cho người tham gia lễ hội. Câu hỏi đặt ra là lễ hội được tiếp biến như thế nào cho phù hợp với tâm thế của con người, xã hội hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt văn hóa của dân tộc. Và trong xã hội hiện đại, chúng ta tiếp nhận sự biến đổi của lễ hội như thế nào?

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa TS. Lê Thị Minh Lý, có 8 vấn đề liên quan đến biến đổi lễ hội. Thứ nhất, về tục hiến sinh, là tập quán xã hội khá phổ biến trong một cộng đồng. Tục hiến sinh trong xã hội hiện đại nó sẽ biến đổi thế nào? Có nên duy trì tục hiến sinh hay không? Hoặc chấp nhận duy trì ở mức độ nào? Thứ hai, về quy mô, trước đây lễ hội trong một cộng đồng nhỏ hẹp, nay lễ hội diễn ra trên bình diện lớn hơn, với sự tham gia của cộng đồng nhập cư tham gia cùng cộng đồng bản địa. Thứ ba, với chính sách tôn trọng mọi tôn giáo, tập quán, tín ngưỡng thì quy mô lễ hội lớn hơn. Các cộng đồng có thể qua lại, tham gia vào lễ hội của nhau. Thứ tư, vấn đề du lịch văn hóa. Bây giờ con người có nhiều thời gian, điều kiện, tranh thủ đi chơi. Mặt khác, các địa phương rất muốn giới thiệu di sản và mong muốn mọi người tham gia. Theo đó, các địa phương đều đặt di sản trong tầm nhìn du lịch. Đây là vấn đề cần phải bàn. Thứ năm, chính trị hóa, hiện đại hóa và thương mại hóa; muốn nâng tầm lễ hội đó, muốn quan trọng hơn, nên làm hồ sơ gửi lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xin nâng cấp thành lễ hội quốc gia, lễ hội vùng để hoành tráng hơn. Thứ sáu, bối cảnh hiện nay là truyền thông cộng đồng. Mọi người đều có thể truyền thông, tạo ra diễn đàn, như câu chuyện chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Thứ bảy, với xu thế đa dạng văn hóa, người ta có nhu cầu tìm hiểu văn hóa của nhau. Phải nhìn câu chuyện này trong một sự đa dạng văn hóa, chứ không phải tìm ra một chế tài bắt tất cả các lễ hội theo một quy trình nhất định do chúng ta soạn ra. Thứ tám, chế tài, biện pháp quản lý cần luôn luôn tương thích, phù hợp với thực tế, luôn luôn thay đổi.

Toàn cảnh Tọa đàm Ứng xử với lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 24.3 Ảnh: Duy Thông
Toàn cảnh Tọa đàm Ứng xử với lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 24.3
Ảnh: Duy Thông

Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng

 “Rõ ràng một xã hội phát triển, nhu cầu tinh thần của người dân ngày một nâng lên, chúng ta phải xác định lễ hội không chỉ trong làng xã, người dân có thể tham gia bất kỳ lễ hội nào. Ở đây phải kết hợp hài hòa giữa chủ trương phát triển du lịch từ văn hóa và ngược lại văn hóa phải phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Đây là những vấn đề cần đặt ra và cần phải có lời giải đầy đủ, thấu đáo. Chúng ta không thể cứ giữ khư khư di sản, không mở mang, không cho mọi người tiếp cận nhưng cũng không thể để mọi người đến ồ ạt, phá hủy di sản. Tất cả những điều này mang tính chất cụ thể, chi tiết của từng địa phương, trách nhiệm quản lý lễ hội trước hết phải xây dựng trách nhiệm quản lý của địa phương là chính, sau này khi du lịch phát triển thì người dân địa phương phải có những ứng xử phù hợp. Đây là câu chuyện rất dài…”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Hoàng Thị Hoa.

Lễ hội là tấm gương phản chiếu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, và còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hóa dân tộc ấy. Lễ hội chính là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong việc bảo tồn văn hóa. Quá trình tiếp nối lễ hội trong đời sống luôn có sự vận động và đặt ra thách thức mới trong đời sống và quản lý.

Kinh nghiệm cho thấy, mô hình gắn kết giữa việc quản lý của cộng đồng với hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội sẽ mang lại hiệu quả và mang tính bền vững. Bởi nếu chỉ nặng về quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội thì chắc chắn sẽ dẫn đến hành chính hóa và sẽ xa rời với cuộc sống của cộng đồng; còn nếu buông lỏng trong cộng đồng mà không có sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước thì sẽ phát sinh những vấn đề quy mô, đối tượng tham gia và những sự biến đổi của lễ hội cũng đang có sự vận động, như vậy thì chắc chắn sẽ không quản lý được những vấn đề lớn đặt ra. Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy: “Mô hình mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn cho các địa phương là tăng tính tự quản của cộng đồng đối với hoạt động lễ hội truyền thống, trong đó, Nhà nước phải xác định những giới hạn nhất định trong công tác quản lý để chính quyền địa phương cũng như người dân nâng cao được hiệu quả nhất trong việc quản lý hoạt động của lễ hội bảo đảm phối hợp đồng bộ, nâng cao hiệu quả của công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn”.

Để cộng đồng là chủ thể trong công tác quản lý bảo tồn, phát triển lễ hội thì việc truyền thông cho cộng đồng là quan trọng. “Người dân phải hiểu việc tham gia tổ chức lễ hội, mở rộng các hoạt động lễ hội là mang lại lợi ích cho chính cư dân ở đó về tinh thần và vật chất. Nó cũng trở lại như câu chuyện Hội An, người dân ở đây tham gia rất tích cực vào việc tăng cao hàm lượng văn hóa, giá trị lịch sử văn hóa truyền thống chính vì ở đây người ta thấy mang lại lợi ích cho họ, cho nên họ sẵn sang dẹp bỏ hàng quán ở vỉa hè. Do vậy, bên cạnh việc giáo dục truyền thông rộng rãi thì cần giáo dục cộng đồng để cộng đồng theo kịp thời đại này.”- ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Trong điều kiện CNH - HĐH và toàn cầu hóa hiện nay, khi mà việc bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, thì làng xã và lễ hội Việt Nam lại gánh một phần trách nhiệm là nơi bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo PGS.TS. Triệu Thế Hùng, lễ hội là thuộc về cộng đồng. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ cho việc tổ chức và quản lý lễ hội. Trong đó, cần phát huy vai trò của người dân, của cộng đồng trong tổ chức và quản lý lễ hội. Quan trọng là cần phát huy vai trò của các nhà khoa học, nhất là khoa học lịch sử, văn hóa trong việc phản biện, tư vấn trong việc tổ chức lễ hội để phát huy tốt hơn nữa vai trò của lễ hội trong xã hội hiện đại.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thách thức mới, cơ hội mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO