Omicron và Thế vận hội mùa Đông 2022

Thách thức đối với chiến lược Zero Covid của Trung Quốc

- Thứ Năm, 30/12/2021, 06:28 - Chia sẻ
Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn kiên trì Zero Covid, một chiến lược nhằm loại bỏ virus một cách triệt để bằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt cùng truy vết gắt gao mỗi khi xuất hiện một ca bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron và sự kiện Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 đang đặt ra những thách thức lớn cho nỗ lực chống dịch của Trung Quốc.
Nguồn: Japan Times

Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy cuộc chiến tổng lực để đối phó với đại dịch Covid-19. Mỗi khi xuất hiện bất kỳ ca bệnh nào của biến chủng delta trong cộng đồng, các nhà chức trách Trung Quốc đều có hành động nhanh chóng và dứt khoát để cắt đứt chuỗi lây nhiễm bằng các biện pháp mạnh tay và nghiêm ngặt như phong tỏa trên diện rộng, triển khai xét nghiệm hàng loạt và truy vết gắt gao. Các biện pháp này nằm trong chiến lược Zero Covid-19 của Trung Quốc, một biện pháp chống dịch triệt để được liên tục áp dụng kể từ khi bùng phát dịch cho đến nay và Trung Quốc hiện cũng là quốc gia duy nhất vẫn còn áp dụng chiến lược sau bất chấp việc thế giới đã dần chuyển sang mô hình “chung sống với dịch bệnh”.

Trong hầu hết trường hợp, các đợt bùng phát đã được kiềm chế trong vòng một tháng. Nhưng với sự xuất hiện của biến chủng dễ lây lan hơn như Omicron và trong bối cảnh Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 chỉ còn vài tuần nữa là diễn ra, chiến dịch Zero Covid của Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Thậm chí, các chuyên gia dịch tễ cảnh báo nguy cơ quốc gia này có thể phải chứng kiến một làn sóng bùng phát trên diện rộng của biến chủng Omicron. Mặc dù Zero Covid-19 vẫn hiệu quả trước biến chủng mới, nhưng nước này vẫn cần lấp đầy những lỗ hổng trong chiến lược chống Covid-19 của mình và phân bổ nguồn lực để đối phó với những thách thức lớn hơn.

Thách thức từ mở cửa biên giới và biến chủng

Cho đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 9 ca nhiễm thuộc biến chủng Omicron. Ủy ban Y tế Quốc gia đã cam kết kiểm soát chặt chẽ hơn tại biên giới ở các cửa khẩu trên bộ, trên biển và hải quan. Tuy nhiên, trở thành nước chủ nhà của Thế vận hội Mùa đông đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải nới lỏng một số hạn chế biên giới, vốn là tấm khiên bảo vệ đất nước khỏi "sự tấn công dữ dội của các ca nhập cảnh".

Theo quy định mới, hàng nghìn vận động viên và đại biểu sẽ được phép nhập cảnh vào Trung Quốc mà không phải cách ly nếu đã được tiêm chủng đầy đủ. Trung Quốc cũng khuyến khích tiêm mũi tăng cường nhưng đó không phải yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng 2 mũi tiêm chủng tiêu chuẩn không đủ để bảo vệ trước biến chủng Omicron.

Hồi đầu tháng, chính quyền Bắc Kinh cho biết đã lường trước nguy cơ bùng phát dịch ở Thế vận hội. Tuy nhiên, họ tự tin về khả năng ngăn chặn các ca mắc trong “vòng khép kín” vốn được kiểm soát nhờ chiến lược Zero Covid.

Tuy nhiên, theo giáo sư Kwok Kin-on, nhà dịch tễ học từ Đại học Hong Kong, hạn chế sự lây lan của Omicron sẽ là một thách thức.“Công tác kiểm soát dịch bệnh ở biên giới rất tốt, nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng”, ông Kwok nói.

Giáo sư Jin Dong-yan, một nhà virus học từ Đại học Hong Kong cho biết, Trung Quốc đứng trước nguy cơ bùng phát dịch lớn. Một phần vấn đề là các ca nhiễm bệnh trong cộng đồng được phát hiện khi đã lây lan khá rộng”. “Các đợt bùng phát gần đây của Trung Quốc, như ở Chiết Giang và Nội Mông, được phát hiện khi hàng chục người đã mắc bệnh”, ông Jin cho biết thêm. Ông cho biết việc phát hiện các ca bệnh muộn hơn dẫn đến những đợt bùng dịch kéo dài hàng tháng. “Điều này có thể lặp lại, đặt ra thách thức đối với chính sách không khoan nhượng, nhưng đó là thực tế", ông Jin nói.

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron cũng khiến giới chức y tế phải hành động nhanh hơn. Ông Kwok cho biết khả năng lây lan cao của Omicron khiến số ca mắc tăng gấp đôi trong khoảng 2 - 3 ngày, đặt ra thách thức lớn cho công tác truy vết. “Điều đó đồng nghĩa giới chức sẽ phải dành nhiều nguồn lực, tiền bạc hơn để truy vết. Và sẽ mất nhiều thời gian hơn để ngăn chặn sự lây lan của đợt bùng dịch Omicron", ông Kwok nhận định.

Mũi tăng cường là cần thiết

Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng - vốn được coi là “bức tường thành” trong việc ngăn chặn virus cũng đang xuất hiện “vết nứt”. Tính đến nay, khoảng 85% dân số Trung Quốc đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Nhưng vaccine sử dụng ở Trung Quốc phần lớn là vaccine bất hoạt, mang lại hiệu quả không cao trước biến chủng Omicron. Và đến nay, vẫn chưa rõ vaccine bất hoạt có thể hạn chế các ca bệnh nặng hoặc tử vong ở mức độ nào.

Jerome Kim, Tổng giám đốc của Viện Vaccine Quốc tế cho biết, dữ liệu liên quan đến Trung Quốc còn rất nhiều hạn chế; tiêm chủng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, các ca bệnh nặng và tử vong, song không có nhiều dữ liệu về hiệu quả của vaccine được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.

Ông Kim nhấn mạnh, các mũi tăng cường là cần thiết để kiểm soát chặt chẽ hơn biến chủng Delta. Trong khi đó, chủng Omicron, với số lượng đột biến chưa từng có trên protein gai, thậm chí còn gây thêm khó khăn cho các loại vaccine hiện hành trong việc bảo vệ cơ thể; do đó, càng cần các mũi bổ sung.

Vừa qua, hãng dược phẩm Moderna đã báo cáo rằng mũi tăng cường mRNA của hãng có thể giúp tăng đáng kể lượng kháng thể trong các thử nghiệm sơ bộ. Pfizer cũng công bố kết quả tương tự.

Sinovac cũng khẳng định ba liều vaccine của hãng sẽ giúp bảo vệ cơ thể trước Omicron, song tiết lộ rất ít chi tiết. Bên cạnh đó, ông Kwok nhận định vaccine BioNTech có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch ở Trung Quốc. Công ty dược phẩm Fosun của Trung Quốc đã ký các thỏa thuận nhập khẩu và sản xuất vaccine BioNTech trong nước. Tuy nhiên, tiến trình này đang bị “mắc” ở quá trình phê duyệt trong nhiều tháng.

Hiện Trung Quốc khó có thể siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch. Bởi chiến lược Zero Covid của Trung Quốc vốn đã vô cùng khắt khe. Chỉ phát hiện 1 ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, có thể cả một thành phố bị phong tỏa. Các biện pháp tiêm chủng trên diện rộng, xét nghiệm toàn thành phố, phong tỏa một phần hoặc toàn phần vẫn đang được áp dụng nghiêm ngặt; và chứng kiến người dân nước này trở nên mệt mỏi. Tuy nhiên, trước một biến chủng lây lan nhanh hơn như Omicron; và trước khả năng phải nới lỏng các biện pháp nhập cảnh để chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông, người dân và Chính quyền Trung Quốc chắc chắn sẽ phải thận trọng hơn nữa và tiếp tục tuân thủ các quy tắc phòng, chống dịch nghiêm ngặt hiện nay để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.

Đạt Quốc (Theo SCMP)