Thách thức cũ trên đường đua mới
Các doanh nghiệp phát hành trò chơi trực tuyến (game online) nước ta đã phải chấp nhận thua cuộc ở lĩnh vực quan trọng nhất là trò chơi cài đặt trên máy tính (game trên PC). Cơ hội trên một đường đua mới - trò chơi cài đặt trên điện thoại (game mobile) thì đang đối mặt với quá nhiều thách thức.
Không lỗ đã là may
Cái dớp không thành công của năm 2013 dường như đeo đẳng ngành công nghiệp game online sang đến cả năm nay. Trong 6 tháng đầu năm, toàn thị trường game Việt Nam có khoảng 40 game trên PC và 60 game mobile ra mắt. Tuy nhiên, xác suất thành công chỉ vào khoảng 10%. Hầu hết doanh nghiệp phát hành game online đều xác định trước không lỗ là may. Số liệu thống kê cho thấy, 90% doanh nghiệp game trong nước hoạt động kém hiệu quả hơn nhiều cả về doanh thu, lợi nhuận so với thời điểm 2012 trở về trước.
Thị trường game online đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp mới tham gia thị trường với doanh nghiệp lâu năm, và đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Một số doanh nghiệp ước tính, doanh thu của thị trường game Việt Nam năm nay chỉ đạt khoảng 6.000 tỷ đồng; trong số này, doanh nghiệp trong nước chiếm 60%, 40% thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp trong nước cũng phải chấp nhận một thực tế: chưa bao giờ thực sự thành công ở sản xuất game trên PC. Đã rất lâu, không còn được thấy một tựa game PC thuần Việt ấn tượng và chất lượng. Có rất nhiều lý do, từ việc các doanh nghiệp nước ta đi sau các quốc gia khác trên thế giới cho tới việc ngành công nghiệp non trẻ này chưa nhận được sự ủng hộ của các chính sách. Những công cụ, văn bản và chính sách hỗ trợ dành cho những đơn vị tự phát triển game tại Việt Nam hầu như chưa tồn tại một cách cụ thể. Giám đốc một doanh nghiệp game online cho biết, rất khó có được một kế hoạch dài hạn với chính sách quản lý game như hiện nay. Để phát triển được một game tốt, doanh nghiệp phải đầu tư lớn để thuê người giỏi làm, nhưng khi đã có sản phẩm, khả năng xin được giấy phép để phát hành cho đúng luật cũng rất thấp. Doanh nghiệp có thể bị kiểm tra, xử phạt, dừng phát hành sản phẩm bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, thị trường game đang có dấu hiệu tụt dốc, xu hướng người dùng bỏ tiền chơi game sẽ ngày càng ít đi mà chủ yếu họ chuyển sang chơi những game miễn phí.
Để tồn tại, một số doanh nghiệp bắt đầu tính chuyện chuyển hướng làm game để phát hành ở nước ngoài, hoặc tìm cách mở rộng sang phát triển các dịch vụ không liên quan đến game nữa. Trong khi nhiều doanh nghiệp game nước ngoài vẫn tiếp tục tìm mọi cách để phát hành game trái phép vào Việt Nam.
Cần được tiếp sức trên đường đua mới
Tuy chưa thể so sánh được với các thị trường game trong khu vực như Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng trong vòng hai năm qua, game mobile đã phát triển rất mạnh khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch chơi game từ máy tính sang các thiết bị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Nhìn vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường di động và máy tính bảng ở nước ta, các doanh nghiệp đã nhận thấy một môi trường thuận lợi cho việc phát triển game mobile. Theo một thống kê sơ bộ, Việt Nam đang có khoảng 40 công ty lớn nhỏ tham gia vào phân khúc game mobile, thêm vào đó là sự tham chiến của hàng trăm nhà phát triển độc lập khiến cho thị trường ngày càng sôi động hơn.
Nhưng ở thời điểm này, game mobile chỉ mới ở vạch xuất phát, manh mún và nhiều thách thức vẫn còn chờ đợi phía trước. Doanh thu của game mobile hiện chiếm một tỷ trọng khiêm tốn trong tổng doanh thu 6.000 tỷ đồng mà ngành trò chơi trực tuyến mang lại vào năm ngoái, với 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, số công ty và cá nhân tự sản xuất game và đưa lên các kho ứng dụng không nhiều. Hầu hết doanh nghiệp đang đi đánh thuê cho người nước ngoài khi nhập game di động của Trung Quốc, Hàn Quốc để phát hành trong nước.
Làm thế nào để các nhà phát triển game mobile của Việt Nam dám nhảy vào và trụ vững trong cuộc chơi này vẫn là câu hỏi lớn mà hầu hết các nhà phát hành và sản xuất không thể tự trả lời.
Theo Nghị định 71/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ thông tin, trò chơi trực tuyến là một loại hình dịch vụ trong ngành công nghiệp nội dung số được Nhà nước khuyến khích và ưu đãi phát triển. Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp nội dung số cũng khẳng định: Nhà nước đặc biệt khuyến khích, ưu đãi đầu tư và hỗ trợ phát triển ngành này trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục xác định: khuyến khích các trò chơi trực tuyến mang tính truyền thống lịch sử, văn hóa, cổ vũ lòng yêu quê hương đất nước. Trong khi những chính sách hỗ trợ chưa cụ thể thì ngành công nghiệp non trẻ này lại đứng trước một thách thức mới: Quốc hội đang xem xét việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.
Khi thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, các sản phẩm game online được cấp phép ở nước ta đều được các cơ quan chức năng kiểm soát, thẩm định về nội dung, bảo đảm phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trong khi đó, game online thẩm lậu không kiểm duyệt, chứa nhiều nội dung xấu, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài khi sản phẩm game online sản xuất trong nước chưa phát triển để thay thế được nguồn game online nước ngoài. Do vậy, các ý kiến này đề nghị, chưa nên bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, dần thay thế được các sản phẩm nước ngoài, góp phần phát triển công nghệ thông tin Việt Nam và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay đạt doanh thu trực tiếp của ngành game là 6.000 tỷ đồng, và 20.000 tỷ đồng doanh thu gián tiếp (từ các dịch vụ cà phê, kinh doanh máy tính, internet, mobile...). Ngoài ra, ngành game có tới 20 triệu khách hàng vào tạo công ăn việc làm cho 7.000 lao động trực tiếp và 100 nghìn lao động gián tiếp. Một khi ngành game được nhìn nhận là một ngành công nghiệp giải trí thực sự với các chính sách hỗ trợ tốt, tất yếu sẽ kéo theo sự đầu tư về đào tạo đội ngũ cũng như tài chính. Trên thế giới, ngành game đã bắt đầu vượt các ngành điện ảnh và âm nhạc về doanh số và lợi nhuận.