Xâm phạm bản quyền sách diễn ra phổ biến và dễ dàng hơn
"Trong kỷ nguyên số, cũng như các lĩnh vực chuyên ngành khác của bảo vệ quyền tác giả, bản quyền sách hiện nay chịu ảnh hưởng to lớn của thời kỳ công nghệ 4.0, đặc biệt là trên không gian mạng" - ThS. Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết tại Hội nghị triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024.
Sự xuất hiện và phát triển của kỹ thuật số gắn với công nghệ kỹ thuật số như internet, điện toán đám mây, AI, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh, TV thông minh, phương tiện truyền thông xã hội, máy quét, sách điện tử... Điều này tạo thuận lợi cho việc sáng tạo, lưu giữ, sao chép và phổ biến tác phẩm ở định dạng kỹ thuật số, trong không gian kỹ thuật số, thay đổi phương thức cung cấp, truyền đạt sách đến công chúng, phương thức khai thác, sử dụng sách. Tuy nhiên, không gian mạng là môi trường trung gian tiếp tay cho các hành vi xâm phạm bản quyền sách diễn ra phổ biến và dễ dàng hơn, là thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ bản quyền sách.
Vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng xuất phát từ một số nguyên nhân. Trong đó, vẫn còn đối tượng chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân mà xâm hại quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả, quyền liên quan; mua sách rẻ mặc dù có thể biết hoặc không biết đó là sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền.
Một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt là các chủ sở hữu quyền như nhà xuất bản, khi có tranh chấp, vẫn chưa cung cấp đủ bằng chứng/chứng cứ liên quan về quyền của mình và về hành vi vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Một số cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm còn có biểu hiện né tránh trách nhiệm, chưa phối hợp đồng bộ nhịp nhàng...
Hoàn thiện chính sách, cơ chế bảo vệ bản quyền
Để thúc đẩy bảo hộ quyền tác giả thời gian tới, bà Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan nhằm tạo dựng hành lang pháp lý khuyến khích hoạt động sáng tạo; bảo vệ bản quyền trên không gian mạng.
Đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan quản lý, thực thi trong quản lý và xử lý hành vi xâm phạm quyền, như ký kết bản ghi nhớ hợp tác, phối hợp trong công tác quản lý và thực thi bản quyền sách giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan; đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo 389…; liên kết, chia sẻ dữ liệu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực thi bảo hộ bản quyền.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện Nhà xuất bản Trẻ kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo vệ bản quyền trên không gian mạng. Mạnh tay dẹp bỏ triệt để các hành vi chia sẻ lậu, bất hợp pháp ebook, audiobook trên mạng… Đặc biệt, xử lý nhanh chóng nhiều đơn vị vẫn đang ngang nhiên xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử mà chưa được cấp phép.
Bên cạnh đó, nâng cao tính chủ động của các chủ thể quyền (tác giả, nhà xuất bản) trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khai thác và bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các chủ thể quyền, cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng và công chúng.
Tôn trọng và thực thi nghiêm túc pháp luật bản quyền, đặc biệt là bản quyền sách trên không gian mạng, chung tay hành động quyết liệt bảo vệ bản quyền sách sẽ góp phần khuyến khích các hoạt động sáng tạo, đầu tư khai thác phát triển thị trường sách, thúc đẩy công nghiệp văn hóa của Việt Nam trong kỷ nguyên số.